Nỗi ám ảnh mang tên thuốc giảm cân
Lo lắng, sợ hãi và đau đớn đến tột cùng là những gì mà bệnh nhân phải trải qua khi cầm trên tay kết luận mắc bệnh ung thư máu. Cháu N.D (chúng tôi đổi tên nhân vật - PV), 14 tuổi, trú tại thành phố Bắc Kạn là một trong số đó. Bắt gặp N.D đang được điều trị tích cực tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, PV Báo Thương hiệu & Công luận đã có buổi trò chuyện và lắng nghe chia sẻ của N.D và gia đình, trên hành trình “giành giật” sự sống.
Nhắc đến hành trình hơn 3 tháng điều trị hóa chất với căn bệnh ung thư máu của con gái, bà V. ngấn lệ: “Con tôi từ nhỏ mập mạp, rất mạnh khỏe, gia đình không phát hiện cháu có bệnh tình gì trong người, chỉ đến khi cháu uống sản phẩm giảm cân theo lời mách của bạn bè thì mới ra nông nỗi như vậy!”
Nữ sinh N.N.D mệt mỏi sau nhiều tháng chữa trị tại bệnh viện Huyết học – Trung Ương
Nhìn cô con gái mệt mỏi nằm bên giường, bà lau đi những giọt nước mắt: “Tôi đã khuyên cháu ngay từ đầu là không nên uống thuốc thang bừa bãi, nhất là các loại hỗ trợ giảm cân nhưng cháu cứ một mực nói bạn bè đã uống và thấy hiệu quả. Ngày đầu uống tôi thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi. Đến ngày thứ 2 gặng hỏi thì cháu nói: Ngày nào con đi học về chẳng mệt! Tôi nghĩ là do cháu đi học mệt nên không gặng hỏi gì thêm, nhưng đến ngày thứ 5, 6 thì cháu bắt đầu lả người đi, da xanh tái, đi vệ sinh nhiều, người mệt mỏi. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu vào BVĐK Bắc Kạn cấp cứu, đến ngày 26/3 thì chuyển lên Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ kết luận máu nhiễm khuẩn và có tế bào ác tính, phải điều trị bằng hóa chất, mà tiên lượng thành công không cao...".
Không thể chấp nhận được đứa con gái chăm ngoan, học giỏi lại có hiếu với bố mẹ như nó lại mắc căn bệnh hiểm nghèo như vậy. Nhìn còn đau khổ, buồn rầu bao nhiêu nước mắt người mẹ lại lăn dài bấy nhiêu. Vì con bà V. luôn kiên cường đồng hành chữa bệnh cùng cô con gái tội nghiệp của mình.
“Đến nay, sau gần 3 tháng được các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tích cực điều trị, con gái tôi đã đẩy lui bệnh và tiếp tục bước vào đợt truyền hoá chất lần 2. Đợt 1 là truyền 7 ngày, đợt 2 là truyền 10 ngày hóa chất.
Hiện giờ thì tóc cháu đã rụng nhiều, giật nhẹ là ra tóc nên giờ tôi cắt luôn cho cháu, đấy cũng là phản ứng phụ của việc truyền hóa chất, ngoài ra cháu còn bị buồn nôn, không ăn được, sút cân, trước đây cháu 74kg, giờ giảm còn 68kg.” – bà V. chia sẻ.
Thời gian tới này gia đình cũng đang chữa trị bệnh cho cháu theo liệu trình của bác sĩ, để xem tình hình của N.D như thế nào, nếu được và ổn định các đường hồng cầu trở về như người thường thì sẽ được ra viện. Đợt truyền 2 là 10 ngày truyền hoá chất, còn lại là chữa trị các phản ứng phụ của hoá chất, như các dòng tiểu cầu bạch cầu phải kích lại, khi nào ổn định, không sốt, các dòng tiểu cầu bạch cầu trở lại bình thường, không bị nhiễm khuẩn thì sẽ được ra viện nghỉ ngơi để chuẩn bị đợt điều trị hoá chất lần thứ 3.
Làn da cháy xém của em N.D sau nhiều lần truyền hóa chất vào cơ thể
Tôi chỉ mong con gái luôn mạnh mẽ để cùng tôi chiến đấu với bệnh tật.
Nhìn hình ảnh cô nữ sinh vui vẻ hoạt bát nay phải nằm trên giường bệnh từng ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác, giành giật sự sống từ tay “thần chết” ai cũng phải xót xa.
Để độc giả có sự nhìn nhận rõ hơn về trường hợp của nữ sinh N.D, Th.S, Bác sĩ Hoàng Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Bệnh máu & Trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có chia sẻ với báo chí: “Bệnh nhân N.D nhập viện trong tình trạng thiếu máu, xuất huyết dưới da, cơ thể mệt mỏi, da tái nhợt. Theo giấy chuyển viện của tuyến tỉnh thì bệnh nhân đã có những triệu chứng như trên cách đây 1 tuần và đã được tuyến tỉnh truyền hồng cầu. Trải qua các xét nghiệm, chúng tôi phát hiện có đến 81% tế bào bất thường trong máu của bệnh nhân Hạnh, đây chính là tế bào ung thư máu. Ngay lập tức, chúng tôi xây dựng tuỷ đồ thì phát hiện rất nhiều tế bào ác tính trong tuỷ xương.
Bệnh nhân N.D phải điều trị bằng hoá chất để đạt được lui bệnh, sau đó, căn cứ theo tình hình đẩy lui bệnh chúng tôi sẽ hướng đến việc ghép tế bào gốc. Nếu tiên lượng tích cực thì lộ trình điều trị cho bệnh nhân sẽ khoảng 1 năm, qua 4 đợt truyền hoá chất. Trường hợp không đẩy được lui bệnh thì chúng tôi sẽ thay đổi phác đồ điều trị”.
Thu Trang