LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế… nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bạn đọc trong nhiều năm qua.
Hệ thống cửa hàng ChipMart có facebook chính thức là ChipMart - Thực Phẩm Nhập Khẩu - 3 Miền có ghi cạnh đó là “Hàng xách tay – Cửa hàng tiện lợi”, có 4 cửa hàng tại 202 Đê La Thành nhỏ, 72 Trần Tử Bình, 54 Hàng Cót và 62 Trương Định.
Tại cá cửa hàng này bán rất nhiều loại thực phẩm nhập khẩu như bò nhập khẩu, viên thả lẩu, nước lẩu Thái, pizza, mì Spaghetty, nước hoa quả, đũa Nhật Bản, trân châu trà sữa, nước tương Hàn Quốc, kem đánh răng nước ngoài, táo đỏ Hàn Quốc, … cùng với đó là các sản phẩm khác như sữa chua túi, sốt chấm, sốt salad, bánh khúc, nem chua, đậu hũ phô mai, xúc xích phô mai…
Nhiều thực phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt
Ngày 12/12/2022, phóng viên “mục sở thị” tại cửa hàng ChipMart số 72 Trần Tử Bình, Cầu Giấy và số 202 Đê La Thành nhỏ; ngày 14/12/2022, phóng viên tiếp tục “mục sở thị” tại cửa hàng số 54 Hàng Cót.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hàng này có các loại thực phẩm giống nhau và tình trạng tương tự nhau. Có một số mặt hàng nhập khẩu có tem nhãn phụ Tiếng Việt như Paste tôm, viên thả lẩu thập cẩm, cùng với một số mặt hàng có xuất xứ của Việt Nam với thông tin về nơi sản xuất, công ty sản xuất, thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng…
Tuy nhiên, tại đây cũng có nhiều loại thực phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Điều này một mặt khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm, một mặt vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Một số loại thực phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt mà phóng viên trực tiếp ghi nhận
Hàng hóa bị rách, “trắng” thông tin bày bán
Không chỉ có nhiều loại thực phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định pháp luật, tại hệ thống cửa hàng ChipMart còn bày bán cả những thực phẩm bị rách, “trắng” thông tin, không có thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Ghi nhận trên một kệ hàng tại 202 Đê La Thành nhỏ, phóng viên nhận thấy một sản phẩm đã bị rách mà vẫn được bày bán công khai. Đó là sản phẩm mì sợi Phước Hạnh.
Tiếp đó, tại các cửa hàng ChipMart còn nhiều sản phẩm "trắng" thông tin, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng...
Khi thắc mắc về các thực phẩm không có ngày sản xuất và hạn sử dụng, người bán hàng tại cửa hàng 54 Hàng Cót cho biết: “Cái này bên em nhập từ đầu tháng chị ạ, hạn sử dụng mấy tháng có ghi đấy ạ, như cái pizza này thì để một tháng thôi, sữa chua túi này là 06 tháng”.
Phóng viên tiếp tục lo ngại: "Sao không in rõ trên sản phẩm vậy chị, chẳng có ngày tháng hạn sử dụng gì, nhỡ ăn vào bị đau bụng mất", thì nhân viên tại đây khẳng định: "Do bên nhà cung cấp họ không ghi ạ. Bên em thường lấy hàng ở đầu tháng, không bao giờ lấy giữa tháng để đảm bảo cho khách hàng".
Nhưng đó chỉ là câu nói của người bán hàng, bởi thực tế chẳng thể biết được những mặt hàng này được sản xuất ngày nào, có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng hay không?
Quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
Theo khoản 1, Điều 44, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Bên cạnh đó, theo khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt; hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, doanh nghiệp đó có thể nhận mức xử phạt cao nhất từ 25-30 triệu đồng.
Dù đã được pháp luật quy định rõ ràng về nội dung in trên hàng hóa nước ngoài nhưng tại sao các cơ sở nêu trên của Hệ thống cửa hàng tiện lợi ChipMart vẫn bày bán nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, thậm chí hàng hóa “trắng” thông tin?
Trước thực tế nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa (đã nêu ở trên) bày bán tại ChipMart, thậm chí hàng hóa không đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn sức khỏe bởi đã bị rách bao bì, rất cần sự xác minh, làm rõ của cơ quan quản lý, bởi đây là những thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là khi Tết đang đến gần, vấn đề về thực phẩm lại càng được quan tâm.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Trúc Mai – Hồng Nhung