Nguy hiểm rình rập
Theo đó, nhiều chủ thuyền rồng hoạt động “chui” trên sông Hương (TP. Huế) vì lợi nhuận và tranh giành khách đã tự ý lập bến để làm nơi neo đậu, đón - trả khách dọc đôi bờ sông Hương nhằm né tránh việc làm thủ tục xuất bến để đóng lệ phí (thuyền đôi có mức lệ phí là 30.000 đồng, thuyền đơn 20.000 đồng).
Vì lợi nhuận nên các chủ thuyền này đã tự lập bến để đón trả khách trên sông Hương?
Trong đó, khu vực thường xuyên có nhiều thuyền rồng hoạt động “chui” nhất là bến nằm ngay dưới chân cầu Trường Tiền, dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nơi có nhiều du khách qua lại hằng đêm.
Những thuyền rồng hoạt động “chui” trên sông Hương thường không có lệnh xuất bến, chở quá số người quy định, hành khách lên thuyền không được trạng bị áo phao, không trang bị thiết bị phòng - chống chảy nổ... bất chấp nguy hiểm đến tính mạng người khác.
Khó xử lý?
Ông Nguyễn Khoa Dục, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban quản lý bến xe-thuyền TP. Huế cho biết, theo quy định trước khi xuất bến, những thuyền này phải được kiểm tra giấy phép hoạt động, giấy phép an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, danh sách các thuyền viên, bằng lái, bằng thuyền trưởng và danh sách những hành khách trên thuyền...
Sau khi kiểm tra thủ tục, cơ quan chức năng phải kiểm tra thực tế trên thuyền, nếu đúng với các thủ tục thì mới cho xuất bến.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều hành khách vẫn sử dùng những thuyền rồng này để đi dạo trên sông Hương
“Việc những chiếc thuyền hoạt động ‘chui’ là rất nguy hiểm và mất an toàn, vì không được kiểm tra giấy phép khi xuất bến và các trang thiết bị bảo đảm an toàn cho hành khách như áo phao, phao cứu sinh, thiết bị phòng - chống cháy nổ… Đồng thời, không ai kiểm soát được số người ở trên thuyền”, ông Dục cho hay.
Trong khi đó, Trung tá Dương Chí Hiếu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, tình trạng trên vẫn diễn ra thường xuyên, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các phương tiện sai phạm, nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại.
Theo Trung tá Hiếu, do đặc thù của ngành đường thủy là rất khó dừng phương tiện để kiểm tra, trong khi có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nên để xử lý triệt để vấn nạn trên là rất khó khăn.
Ông Võ Hoài Nam, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải nhìn nhận, việc nhiều thuyền rồng hoạt động ‘chui’ trên sông Hương thời gian vừa qua là vấn đề không mới nhưng khó xử lý triệt để.
Bởi lẽ, theo ông Nam, Thanh tra Sở chỉ có thẩm quyền kiểm tra các phương tiện đậu – đổ tại bến mà không có thẩm quyền kiểm tra phương tiện khi đang di chuyển trên sông. Trong khi đó, mức phạt đối với những thuyền rồng vi phạm chưa đủ sức răng đe (mức phạt thường chỉ khoảng 250.000 đồng và cao nhất 300.000 đồng) đối với các chủ thuyền, do đó tình trạng trên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Ông Võ Hoài Nam, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế: "Trong năm 2017, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra và xử lý 37 trường hợp thuyền rồng hoạt động trái phép trên sông Hương với tổng số tiền xử phạt là 12 triệu đồng. Đầu năm 2018, đơn vị đã phát hiện và xử phạt 17 trường hợp vi phạm với số tiền là 3,8 triệu động.
Các lỗi mà những thuyền rồng này mắc phải thường là đậu – đổ không đúng nơi quy định, không bố trí đúng định viên đường biên, chở quá người quy định, không có giấy an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không có lệnh xuất bến"…
Nguyễn Quốc