Khi EVFTA được thực thi, các DN EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt NamKhi EVFTA được thực thi, các DN EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam

Trong thời gian qua, các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá rất cao, nhất là trong tình thế tỷ lệ bao phủ bán lẻ của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với khu vực.

Sắp tới, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương), phần lớn các DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít DN lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. Các DN lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ TTTN, bức tranh thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ khốc liệt nhưng hàng hóa Việt sẽ ít bị cạnh tranh bởi cơ cấu hàng hóa của Việt Nam - EU mang tính hỗ trợ bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, tỷ lệ hàng hóa Việt tại các siêu thị vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.

Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, ở Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…; Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài cũng chiếm từ 65-96%, cụ thể Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, EVFTA vẫn có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với DN phân phối trong nước, đặc biệt là các DN phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận DN này không thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ của EVFTA.

PV