Thông tin tại họp báo trước Hội nghị tổng kết 2021 của ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: năm 2021 ngành dệt may trải qua nhiều cung bậc trạng thái, cảm xúc khác nhau. Quý I các doanh nghiệp đã rất phấn khởi vì ký được hợp đồng đến hết quý III. Nhưng đến tháng 5/2021 dịch bệnh lần thứ tư bùng phát, lúc này doanh nghiệp thực sự lo lắng.
Đến quý III, là thời điểm dịch bệnh tác động đáng quan ngại nhất với ngành dệt may. Khi ngay tháng 07 Covid bùng phát ở TP.HCM và lan rộng ra các tỉnh phía Nam, ngành dệt may có tín hiệu khó khăn. Tháng 08, xuất khẩu dệt may giảm tới 15,8% so với tháng 7, tháng 9 giảm 9,2% so với tháng 08, tháng 10 khá hơn một chút nhưng vẫn đang rất khó khăn.
Chỉ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP (tháng 10/2021) quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các doanh nghiệp đa phần ở vùng dịch mới được mở cửa trở lại. Nên từ đó đến nay, tình hình sản xuất của ngành đã khả quan hơn.
Đại diện Vitas cho rằng, trong suốt thời gian qua nhất là đợt dịch cuối tháng Tư bùng phát, doanh nghiệp dệt may hết sức lao đao. Bởi các địa phương triển khai Nghị quyết, Chỉ thị chống dịch của Nhà nước ban đầu không thống nhất khiến doanh nghiệp khó khăn, nhất là đi lại.
Rào cản trong thông thương khiến xuất khẩu gặp thách thức, không nhập khẩu được nguyên liệu làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu do ngành chưa chủ động được.
Không những vậy, các thị trường chính của dệt may như: Mỹ, EU, Nhật… lại đối diện với sự bùng phát của dịch bệnh khiến sụt giảm nhu cầu, sản xuất không xuất khẩu được.
Vòng luẩn quẩn, đến khi các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam phục hồi cao thì dịch bệnh ở Việt Nam lại bùng phát. Lúc đó do thiếu nguồn lao động nên nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng xảy ra. Một số doanh nghiệp mỗi tuần bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng để đảm bảo đơn hàng, quyết tâm giữ chân khách hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song Vitas cho rằng, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Do đó, Vitas xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo ba kịch bản.
Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD.
Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỷ USD.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, theo ông Cẩm các doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.
Phương Thảo