Theo Dự thảo, thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh được quy định mới đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp và được gia hạn một lần không quá 3 năm. Hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Đối với hộ chiếu tạm thời có thời hạn không quá 1 năm và sẽ không được gia hạn. Giấy thông hành có thời hạn phù hợp với thời hạn quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng không quá 1 năm và không được gia hạn.
Hộ chiếu tạm thời có thời hạn 1 năm, có giá trị sử dụng như hộ chiếu phổ thông, cấp cho công dân Việt Nam trong các trường hợp: Ra nước ngoài có thời hạn mà hộ chiếu bị mất, hết giá trị sử dụng, có nguyện vọng về nước ngay; Không được nước ngoài cho cư trú, tự nguyện xin về nước mà không có hộ chiếu còn giá trị; Không được nước ngoài cho cư trú, có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại; Phải về nước theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước sở tại về việc nhận trở lại công dân; Vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Việc cấp hộ chiếu tạm thời chủ yếu do Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp hộ chiếu hoặc thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các trường hợp được cấp giấy thông hành, bao gồm: Công dân Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam theo Thỏa thuận song phương; Công dân Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh sang các nước theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, nghiêm cấm cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để xuất cảnh, nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật Việt Nam; mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê giấy tờ để làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; lợi dụng, lạm dụng hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Ngoài ra, nghiêm cấm những hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ ngoài quy định của Luật này khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; làm sai lệch thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; cung cấp, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật; Thu giữ giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân, tạm hoãn xuất cảnh trái quy định của pháp luật...
Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.
PV