Năm 2019, sau khi được Hội đồng thẩm định của Quỹ Phát triển KHCN tỉnh thẩm tra, đánh giá phù hợp theo tiêu chuẩn của Bộ KH&CN, khách hàng Nguyễn Minh Hải, chủ đầu tư Dự án “Đầu tư mới trang trại chăn nuôi lợn thịt theo công nghệ mới hiện đại” của Tập đoàn CP Group tại Đồi Tròn, thôn Hồng Phong, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch được vay 8 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh.

Nhờ được gia hạn, điều chỉnh thời gian, hạn mức trả nợ vốn vay từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh, trang trại của ông Nguyễn Minh Hải tại Đồi Tròn, thôn Hồng Phong, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Trà Hương
Nhờ được gia hạn, điều chỉnh thời gian, hạn mức trả nợ vốn vay từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh, trang trại của ông Nguyễn Minh Hải tại Đồi Tròn, thôn Hồng Phong, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh(Ảnh: Trà Hương).

Nhờ nguồn vốn vay, ông Hải đầu tư mô hình trang trại, với gần 1.000 con lợn, trong đó, có 150 lợn nái, 3 lợn đực giống và hơn 800 lợn thịt, đáp ứng nguồn cung để Tập đoàn CP Group sản xuất nguồn thực phẩm sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Trang trại được xây dựng và vận hành theo quy trình công nghệ hiện đại, khép kín, do đó, có điều kiện để chăm sóc, phòng, chữa bệnh tốt nhất cho đàn lợn; người tiêu dùng có cơ sở để truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.

Theo hợp đồng, đến ngày 26/2/2021, ông Hải phải trả gốc 1 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển KHCN của tỉnh, số còn lại đến kỳ 26/2/2022 phải trả. Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi, nên ông Hải chưa có nguồn tài chính để trả nợ.

Ông Hải đã làm đơn đề nghị Quỹ Phát triển KHCN tỉnh và Ngân hàng TMCP Công thương, Chi nhánh Vĩnh Phúc điều chỉnh số tiền trả nợ từ 1 tỷ đồng xuống còn 300 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trả gộp sang kỳ hạn 26/2/2022.

Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN tỉnh Hà Huy Bắc cho biết: "Theo đề án hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Phát triển KHCN để đổi mới công nghệ, tất cả cá nhân, tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đều được vay vốn để mua sắm máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ thông qua các dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất hoặc dự án chuyển giao công nghệ vào sản xuất.

Sau khi được Hội đồng thẩm định của quỹ thẩm tra, đánh giá phù hợp theo tiêu chuẩn của Bộ KH&CN và các bộ chuyên ngành ban hành, nguồn vốn sẽ được cấp đến doanh nghiệp và khách hàng thông qua ngân hàng mà quỹ kết nối để mua sắm máy móc, thiết bị, bản quyền phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ... nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường".

Từ năm 2015 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 dự án được vay vốn, với tổng số tiền 240 tỷ đồng (do dòng vốn quay vòng). Từ năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt tổng số vốn điều lệ của quỹ bảo tồn là 150 tỷ đồng và có thể bổ sung cho vốn điều lệ từ các hoạt động của quỹ khoảng 5 - 7 tỷ đồng; trung bình mỗi năm, quỹ có thể cho vay khoảng 50 dự án mới. Các dự án đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả KT-XH và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, với hạn chế là chỉ được vay tối đa trong thời gian 3 năm, nên nhiều DNNVV, khách hàng gặp khó khăn trong hoàn vốn. Để đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, khách hàng, Ban điều hành Quỹ Phát triển KHCN tỉnh đã triển nhiều khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo đó, quỹ sẽ đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp, khách hàng có thể vay vốn ngân hàng, gỡ khó về thanh khoản, giúp doanh nghiệp, khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Hoan Hà