THCL Đó là tên đề án Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/5, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Dự thảo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đề án gồm có các nội dung chính sau: (1) Xây dựng Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; (2) Xây dựng các Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương; (3) Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia với quy mô quốc tế và các sự kiện khởi nghiệp quy mô địa phương, liên kết viện trường; (4) Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam; (5) Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ; (6) Phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung; (7) Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình truyền thông trên đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài về hoạt động khởi nghiệp; (8) Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới thông qua các đoàn vào, đoàn ra; (9) Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục mở văn phòng đại diện cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài; (10) Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và (11) Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với các nội dung trên, mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, mục tiêu của Đề án không chỉ là số các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ mà còn là số vốn mà các doanh nghiệp thành công từ Đề án có thể thu hút được từ các khoản đầu tư từ các quỹ tư nhân, cộng đồng xã hội.

Cụ thể, mục tiêu các doanh nghiệp thành công từ Đề án có thể thu hút được “1.000 tỷ đồng đến năm 2020” và “2.000 tỷ đồng đến năm 2025” chính là vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng, không phải là nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Từ đó, thể hiện rõ vai trò Nhà nước là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ban đầu nhưng luôn cần có các nhà đầu tư tư nhân, cộng đồng xã hội đầu tư tiếp theo mới có thể thực sự nâng cao tính hiệu quả và bền vững của việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

H.Thu (Thương hiệu và Công luận)