THCL - đầu từ ngày 15/3/2017 tới, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, những băn khoăn về vấn đề lãi xuất cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng sẽ được giải quyết.
Thông tư 43 sẽ hóa giải nhiều băn khoăn
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 43 nhằm hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng theo Nghị định số 39/2014/NĐ-CP. Theo đó, từ 15/3 tới, các công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi NHNN để giám sát.
Giới hạn dư nợ sẽ góp phần chống nạn cho vay nặng lãi
Mỗi công ty tài chính sẽ phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng nhằm hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định việc cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ vay.
Ngoài ra, hợp đồng cho vay tiêu dùng phải bao gồm các nội dung về hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng về vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký.
Trước đó, tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 quy định về áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng, với mức lãi suất vay theo các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm luôn có hai luồng ý kiến trái chiều xảy ra.
Một bên cho rằng quy định này áp dụng chủ yếu cho các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng .Bên còn lại lại có ý kiến cho rằng sẽ áp dụng đối với mọi chủ thể từ ngân hàng, tổ chức tín dụng vi mô, hợp tác xã, tài chính tiêu dùng cho tới các khoản vay dân sự bên ngoài.
Tranh cãi xảy ra khi có nhiều ý kiến cho rằng có những khoản vay qua thẻ tín dụng, vay tiêu dùng qua công ty tài chính… mức có lãi suất trên 20%/năm, thậm chí trên 30%/năm. Trong khi đó, đối với tổ chức tín dụng hiện đang áp dụng theo Luật NHNN 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010, lãi suất đang áp dụng với doanh nghiệp và cá nhân đều nằm dưới mức trần 20%/năm.
Rõ ràng, nếu áp dụng theo Bộ luật Dân sự 2015, mức lãi suất cho vay đó đang vượt trần và phạm luật. Nhưng nếu không sử dụng lãi suất cho những khoản vay đặc thù sẽ làm tăng rủi ro và nợ xấu cho các công ty tài chính.
Những mâu thuẫn trên khiến người dân, tổ chức cho vay mơ hồ, không rõ phải áp dụng luật nào cho đúng. Thời điểm đó, giới luật sư cho rằng các cơ quan chức năng cần phân định rạch ròi đối tượng áp dụng và NHNN phải nhanh chóng ban hành thông tư về cho vay tiêu dùng.
Bởi thế, Thông tư 43 ra đời sẽ hóa giải được những băn khoăn bấy lâu nay, giúp cho người dân cũng như các tổ chức tín dụng không còn lúng túng khi áp dụng luật.
Giới hạn dư nợ để chống cho vay nặng lãi
Nhiều chuyên gia về tài chính - ngân hàng nhận định: NHNN cho phép các công ty tài chính thỏa thuận lãi suất là phù hợp với xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang theo đuổi thời gian qua, thị trường sẽ minh bạch hơn, tăng sức cạnh tranh, từ đó giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng, thay vì phải tìm đến tín dụng đen”.
Do hình thức cho vay này khá đặc thù, chủ yếu dựa trên tín chấp, không có tài sản đảm bảo nên có độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường. Để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung. Vì vậy, phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay, như vậy mới kiểm soát được đối tượng cho vay có đạt chuẩn hay không.
Liên quan đến việc NHNN quy định về các khoản vay tiêu dùng như: sửa nhà, mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao… các công ty tài chính tiêu dùng cũng chỉ được cho vay dưới 100 triệu đồng/khách hàng.
Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, việc giới hạn dư nợ cho vay sẽ khuyến khích các công ty tài chính tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng, với các khoản vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội.
Hiện nay, một lượng lớn khách hàng dưới chuẩn theo cấp tín dụng của ngân hàng sẽ được các công ty tài chính đáp ứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chống nạn cho vay nặng lãi.
Thế Long - Anh Đức