Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá mật ong của Việt Nam dựa trên cơ sở đơn đề nghị rà soát của nguyên đơn, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời kỳ rà soát là từ ngày 25 tháng 8 năm 2021 đến ngày 31 tháng 5 năm 2023. Danh sách rà soát dự kiến gồm các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ. Doanh nghiệp nào trong danh sách này không xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ trong thời kỳ rà soát phải thông báo cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 2 tháng 9 năm 2023).

Theo quy định, trong vòng 35 ngày kể từ ngày công bố khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 7 tháng 9 năm 2023), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của CBP. Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng rà soát, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 01 tháng 11 năm 2023).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, đối với một số quốc gia mà Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, để có thể hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 02 tháng 9 năm 2023). Trường hợp các doanh nghiệp không nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ và không được chọn làm bị đơn bắt buộc, doanh nghiệp có thể bị áp một mức thuế suất toàn quốc.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 30 tháng 6 năm 2024. Trong thời gian tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin để chọn nước làm giá trị thay thế cho Việt Nam, bản câu hỏi Lượng và Giá trị và bản câu hỏi dành cho các bị đơn bắt buộc.

Hà Trần