Bày bán nhiều hàng hoá nhập khẩu không nhãn phụ Tiếng Việt
Hiện nay, thực phẩm bẩn là một trong những "thủ phạm" được cho là liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có mối liên quan tới thực phẩm bẩn. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng và lên tiếng phản ánh đối với cửa hàng “ Hoa quả Ưu Đàm”.
Để xác minh thông tin, phóng viên (PV) đã ghi nhận thực tế tại cửa hàng Hoa quả Ưu Đàm (địa chỉ tại: 103 nhà C4 ngõ 46C Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, bày bán nhiều các mặt hàng sản phẩm khác nhau từ mỹ phẩm, thực phẩm, đồ ăn, thực phẩm chức năng, thậm chí nhiều mặt hàng sữa dành cho trẻ nhỏ. Đa phần các sản phẩm ở đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…và không có nhãn Tiếng Việt theo quy định.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam-1695713019.jpg)
![Nhiều sản phẩm của Ưu Đàm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt Nhiều sản phẩm của Ưu Đàm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam1-1695713039.jpg)
Tương tự với sản phẩm Blue Berry (việt quất) trên bao bì không có bất kỳ một thông tin gì bằng Tiếng Việt, không dán nhãn tên sản phẩm, hoàn toàn không có thông tin về nơi sản xuất, hướng dẫn bảo quản, ngày thu hái và hạn sử dụng.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam2-1695713700.jpg)
Theo quy định của pháp luật, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Những mặt hàng chăm sóc sức khoẻ hay những sản phẩm mỹ phẩm, sữa rửa mặt, sữa tắm được sử dụng trực tiếp lên da hoặc dùng để uống bổ sung cho cơ thể, với những hàng hoá thiếu thông tin cần thiết như vậy liệu có đảm bảo về chất lượng, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người sử dụng?
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam3-1695713866.jpg)
Bên cạnh đó, các thực phẩm, hoa quả hay đồ ăn đóng gói, mỹ phẩm… nếu không ghi rõ xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, khách hàng sẽ không biết được đâu là đơn vị sản xuất, đơn vị chịu trách nghiệm sản phẩm và bao giờ là ngày hết hạn của sản phẩm.
Tại khu vực bày bán thực phẩm đông lạnh, rất nhiều mặt hàng như: Cá khô, tôm khô, cá viên, nem chua, mỳ ý… không có tem nhãn thể hiện nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn sử dụng.
![Rất nhiều các mặt hàng thực phẩm đông lạnh không bổ xung đầy đủ thông tin cần thiết trên sản phẩm Rất nhiều các mặt hàng thực phẩm đông lạnh không bổ xung đầy đủ thông tin cần thiết trên sản phẩm](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam6-1695713867.jpg)
Với một cửa hàng có tới hàng trăm mặt hàng khác nhau, hàng hoá mới cập nhật thay đổi theo ngày như Hoa quả Ưu Đàm, liệu khi nhân viên tại đây nhận được những câu hỏi tương tự liên quan đến ngày sản xuất và hạn sử dụng, nhân viên tại cửa hàng liệu có cung cấp được đúng cho khách hàng hay không?
Hàng hoá không ghi rõ ngày hết hạn, nếu như khách hàng vô tình sử dụng phải những sản phẩm đã hết hạn có thể gây ra những tác hại xấu tới sức khoẻ của người sử dụng, nhẹ thì có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thậm chí nặng hơn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu có những điều không may xảy ra đối với khách hàng?
Hàng hoá không niêm yết giá
Ngoài ra, tại khu vực bày bán quả, trái cây trong tủ lạnh của cửa hàng hoa quả Ưu Đàm phóng viên ghi nhận các sản phẩm đều đang thiếu thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ, ngày đóng gói, trọng lượng, cách bảo quản... đang được bày bán trên kệ cho người tiêu dùng, khách hàng.
Cụ thể, sản phẩm Nho, Kiwi, việt quất…..được đựng trong khay, phủ một lớp màng bọc mỏng. Tuy vậy, sản phẩm không có tem nhãn thể hiện đơn vị cung cấp, nhập khẩu phân phối, ngày sản xuất và hạn sử dụng, giá sản phẩm, trọng lượng,…
Việc này vô tình gây ra khó khăn, mất thời gian cho người tiêu dùng khi muốn xem giá cả của sản phẩm để cân nhắc đặt vào giỏ hàng của mình.
Thực tế, việc nhiều sản phẩm được bày bán trong cửa hàng hoa quả Ưu Đàm không có tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, cách sử dụng, giá tiền, trọng lượng… khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam13-1695714727.jpg)
Khách hàng sẽ không biết được rằng mình sử dụng sản phẩm đó của thương hiệu nào, công ty nào phân phối cung cấp ra thị trường mà chỉ biết rằng họ mua sản phẩm từ siêu thị này. Khi gặp những vấn đề rắc rối về hàng hoá, sản phẩm như hết hạn, hỏng hóc hoặc ăn phải ảnh hưởng đến sức khoẻ… thì người tiêu dùng cũng chỉ biết được rằng mình đã mua sản phẩm từ siêu thị này.
Không chỉ vậy, việc không ghi rõ thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng, ngày sử dụng gây ra khó khăn, cho người tiêu dùng khi tìm hiểu về các thông tin cần thiết của sản phẩm, không biết hàng hoá bao giờ mới hết hạn, công dụng của sản phẩm? Liệu rằng hàng hoá thiếu thông tin quan trọng như vậy người tiêu dùng có an toàn khi sử dụng những sản phẩm này?
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Niêm yết giá” được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, tất cả hàng hóa, dịch vụ phục vụ kinh doanh phải được thông báo, công khai giá cả trước khi giao dịch.
Hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá được quy định cụ thể tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ.
Khi tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm về lĩnh vực giá như: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; Bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ,… thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam8-1695714133.jpg)
Theo các chuyên gia y tế, người tiêu dùng nên cẩn thận khi lựa chọn mua những loại thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nên mua những sản phẩm đồ đông lạnh không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, và không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Nếu sử dụng những thực phẩm đông lạnh không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người tiêu dùng cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Tiếp đó, theo ghi nhận của phóng viên, hoa quả tại Hoa quả Ưu Đàm có dấu hiệu đã bị mốc, đáng chú ý hơn loại quả này vẫn được để ở kệ bày bán như bình thường. Ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố nấm mốc có nguy cơ gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và dị ứng. Phải chăng Hoa quả Ưu Đàm chưa quan tâm đến sức khoẻ của khách hàng?
![Mít có dấu hiệu mốc trắng Mít có dấu hiệu mốc trắng](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam9-1695714307.jpg)
Bày bán sữa Ensure tem nhãn không rõ ràng
Theo quan sát tại đây phóng viên thấy nhiều mặt hàng sữa ensure của Đức được “bày bán” công khai, nhưng khi xem trên vỏ hộp các sản phẩm này ghi rõ: Sản xuất tại EU và phân phối cho Đức, vậy hoa quả Ưu Đàm nhập những sản phẩm này từ đâu? Qua nhà phân phối nào? Và bằng cách nào?
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam10-1695714531.jpg)
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/09/26/uudam11-1695714531.jpg)
Theo lời giới thiệu tại kênh Youtube chính thức của cửa hàng khẳng định: "Hoa Quả Ưu Đàm là Công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hoa quả ngoại nhập từ các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ... Có nguồn gốc đảm bảo rõ ràng để khách hàng luôn yên tâm và sử dụng những trái cây tươi ngon nhất theo từng mùa". Liệu nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bày bán tại Hoa quả Ưu Đàm có thực sự tươi ngon theo mùa, nguồn gốc rõ ràng, đem lại sự yên tâm cho khách hàng như những gì mà Hoa quả Ưu Đàm đã khẳng định?
Nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi chọn mua thực phẩm hay lựa chọn quán ăn hằng ngày. Việc chọn phải các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội kiểm tra, xác minh, xử lý các sản phẩm nêu trên để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, khách hàng.
Kim Khánh - Hà Linh