Nhiều khoản thu bất thường?
Vừa qua báo Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh có con đang học tại trường THCS xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Trong năm học 2018 – 2019, ban giám hiệu nhà trường đưa ra nhiều khoản thu “lạ lẫm” và có dấu hiệu không minh bạch trong việc công khai thu chi tài chính.
Bên cạnh những khoản thu bắt buộc như học phí: 450.000 đồng/HS/năm; Gửi xe: 150.000 đồng/HS, Bảo hiểm y tế: 526.000 đồng/HS/12 tháng, được thu theo quy định chung, tuy nhiên một số phụ huynh vẫn còn băn khoăn, thắc mắc về một số khoản thu chưa thật sự rõ ràng.
Cụ thể, từ bản liệt kê các khoản thu đầu năm học 2018 – 2019 được nhiều phụ huynh cẩn thận chép lại, thì các khoản như: Túi bài kiểm tra + giấy thi: 80.000 đồng/HS; Quỹ lớp: 150.000 đồng/HS; Sổ liên lạc điện tử: 65.000 đồng/HS với mạng Vinaphone và 90.000 đồng/HS với mạng Viettel, mức thu này cao hơn hẳn so những trường khác trong khu vực.
Danh sách các khoản thu trong năm học 2018 - 2019 của trường THCS Hoằng Đạt được phụ huynh ghi lại
Tiếp đến, nhiều khoản thu “nhập nhèm” khác khiến phụ huynh đặt nhiều nghi vấn như quỹ cha mẹ: 140.000 đồng, bởi khoản thu này phu huynh không biết phục vụ vào việc gì? và khoản thu này phải do các phụ huynh đứng ra thu, chi. Quỹ khuyến học: 80.000 đồng/HS, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa, đối với quỹ khuyến học trường học không được huy động từ HS đang học tại trường. Quỹ này do Hội khuyến học vận động từ các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các hội viên đóng góp theo quy định điều lệ hội khuyến học.
Đặc biệt, một số khoản thu vô lý dường như không được phép thu như: Khảo sát chất lượng: 100.000 đồng/HS và Tin học: 150.000 đồng/HS. Một số phụ huynh có ý kiến cho rằng: “Tin học cơ sở vật chất, cụ thể phòng máy thì nhà trường đã được đầu tư, như thế Tin học như bao môn học khác, thu khoản khảo sát chất lượng thì nhà trường chi vào việc gì? hay chỉ “vẽ” ra để thu tiền?” phụ huynh cần có một lời giải đáp thích đáng chính đáng từ nhà trường.
Một số phụ huynh phản ánh thêm về các khoản tiền học thêm 17.000 đồng/1 buổi x 84 buổi: 1.428.000 đồng/HS, thu và học quá nhiều. Khoản thu đồng phục cho các cháu với mức giá: 260.000 đồng/HS, thậm chí còn ép buộc bắt học sinh phải mua, trong khi đó việc ép buộc học sinh phải đăng ký mua trong nhà trường là không được phép? Trong khi đó, nước uống được nhà trường thu 80.000 đồng/HS, nhưng chất lượng nước đem lại khá kém, tồi tệ hơn khi một số em chứng kiến những lần phải uống bằng nước mưa?
Cũng theo tìm hiểu của PV, mặc dù bức xúc với việc thu chi không minh bạch giữa bắt buộc và tự nguyện trong năm học 2018 – 2019 của lãnh đạo trường THCS Hoằng Đạt “lạm thu”. Nhưng với tâm lý lo ngại khi phản ánh thì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con cái tại trường nên đành “còng lưng” chấp nhận đóng góp.
Nhà trường không làm việc với phóng viên
Để làm rõ những vấn đề trên, PV Thương hiệu & Công luận đã đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Công Chính – Hiệu trưởng trường THCS Hoằng Đạt. Bước vào buổi làm việc, PV đã xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung nhưng ông Chính cứ “thao thao bất tuyệt”, cho rằng có nhiều mối quan hệ và quen nhiều anh em phóng viên Báo chí. Sau đó PV xin được làm việc về nội dung chính liên quan đến các khoản thu, chi năm học vừa qua, lúc này ông Chính lại yêu cầu được xem lại giấy giới thiệu. Khi cầm giấy giới thiệu, ông Chính nói: “Tôi không làm việc với phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo, vì đây là quy định của cấp trên, và cho rằng PV chưa có thẻ nhà báo thì chưa được pháp luật công nhận”. Mặc dù, PV đã giải thích về quy định của Luật báo chí về hoạt động tác nghiệp rõ ràng để ông này nắm bắt lại. Nhưng vị hiệu trưởng này tỏ ra không quan tâm, mà cố bảo vệ quan điểm không cung cấp thông tin cho phóng viên.
Ông Nguyễn Công Chính – Hiệu trưởng trường THCS Hoằng Đạt từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
Qua tìm hiểu thêm, tại trường THCS Hoằng Đạt nhiều năm qua không chỉ để xảy ra việc thu, chi không minh bạch? mà nhiều năm nay, nhà trường còn tổ chức ôn thi học sinh giỏi cấp huyện khối 6,7,8 lấy kết quả của việc thi học sinh giỏi cấp huyện, để xếp loại thi đua cũng như lấy kết quả học sinh giỏi để đánh giá xếp loại giáo viên vào cuối năm học là trái quy định của Sở GD và ĐT Thanh Hóa.
Cô Trần Thị H, là giáo viên tại trường bức xúc nói, nhiều năm nay nhà trường luôn tổ chức thi học sinh giỏi khối 6,7,8 và lấy kết quả học sinh giỏi để đánh giá sếp loại giáo viên cuối năm học là trái quy định. Nhưng nhiều lần chúng tôi có ý kiến, phản ánh việc làm trên của hiệu trưởng là trái quy định, nhưng sự việc đâu lại vào đó. “Tôi là giáo viên dạy môn đặc thù, đương nhiên sẽ không có học sinh để đi thi học sinh giỏi. Nhưng vẫn xếp loại giáo viên môn của chúng tôi, cùng với các giáo viên có học sinh giỏi đi thi là không công bằng, vì ngành không tổ chức cho các học sinh thuộc bộ môn của chúng tôi đi thi chứ không phải môn chúng tôi không có học sinh giỏi để dự thi”, cô H bức xúc nói.
Đề nghị các cơ quan chức năng Thanh Hóa kiểm tra làm rõ vụ việc nêu trên để tránh bức xúc trong phụ huynh và giáo viên.
An Nhiên
|