Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 ước tính đạt 178,2 triệu USD, tăng 38,7% so với tháng trước nhưng giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 280,7 triệu USD, tăng 11,7% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh đạt hơn 3,531 tỷ USD, giảm 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,275 tỷ USD, giảm 22%, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 5,5%, đạt 2,256 tỷ USD.
Sự sụt giảm này chủ yếu do xuất khẩu thép và phôi thép giảm mạnh, tới 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đạt hơn 89%.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác như thủy sản, dăm gỗ, và may mặc cũng giảm sâu. Chỉ riêng ngành chè ghi nhận sự tăng trưởng nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,17 triệu USD trong 7 tháng đầu năm.
Từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu, tạo động lực phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua cảng Vũng Áng.
Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025, Hà Tĩnh đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế vị trí tự nhiên, cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Hà Tĩnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024, Hà Tĩnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Do đó, những tháng còn lại của năm đặt ra áp lực lớn đối với cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Cần có các giải pháp hiệu quả hơn để cải thiện tình hình và đạt được mục tiêu đề ra.
Lê Đình