Theo số liệu của Bộ Công thương, tháng 3/2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD. Tính chung cả quý I/2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD, thấp hơn so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Dự báo tình hình xuất nhập khẩu trong quý II/2019, Bộ Công thương nhân định hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng song tốc độ tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc – 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu trong quý III được dự báo tăng trưởng chậm hơn do sự suy giảm của thương mại toàn cầu
Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các FTA đã có hiệu lực và triển vọng từ các FTA đã có hiệu lực/đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Theo đánh giá của Vụ Thương mại đa biên, cùng với những FTA đã có hiệu định trước đó thì việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường tại các thị trường mới đầy tiềm năng như Canada, Pêru, Mexico…
Ngọc Khánh