Những kết quả bước đầu

Hội DN làng nghề truyền thống xã La Phù được thành lập tháng 6/2014. Qua 4 năm hoạt động, đến nay, Hội đã thu hút rất nhiều hội viên tham gia sinh hoạt, các DN, hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đa ngành nghề. Các DN chủ yếu là dệt kim, chế biến thực phẩm, in ấn, bao bì…

Với sự gắn kết và được định hướng, hàng năm, Hội đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương.

Hội DN làng nghề truyền thống xã La Phù là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các DN thuộc các ngành nghề phát triển kinh tế trong địa phương nhằm mục đích hợp tác, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hợp tác với các DN và các tổ chức kinh tế, xã hội khác ở trong nước và nước ngoài, nhằm góp phần thúc đẩy cộng đồng DN xã La Phù phát triển.

Từ khi thành lập đến nay, Hội luôn đề ra các phương hướng cụ thể để đạt được hiệu quả trong phát triển kinh tế, học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Theo đó, hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực để phát triển bền vững, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất, mở ra các cơ hội kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động chính của Hội, như: Tổ chức các chuyến đi khảo sát và XTTM thị trường trong và ngoài nước; tổ chức tham gia hội chợ thương mại; tổ chức hội thảo để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tham gia các chương trình đào tạo quản trị DN chuyên sâu về giám đốc điều hành, giám đốc tài chính…

Ông Nguyễn Việt Tùng, Chủ tịch Hội DN làng nghề truyền thống xã La Phù chia sẻ: “Lãnh đạo địa phương quan tâm dành cho Hội một phòng trong khuôn viên UBND xã để làm trụ sở; có bàn, ghế làm nơi hội họp và tiếp đón những đối tác khi đến làm việc và giao dịch”.

Hội doanh nghiệp làng nghề xã La Phù: Cầu nối gắn kết doanh nghiệp - Hình 1

Công nhân làng nghề đang làm việc

Đề cao tính cộng đồng

Ngoài sự gắn kết, định hướng cho các DN, Hội còn luôn đề cao tính cộng đồng; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia các phong trào của địa phương.

Hội vận động các DN hội viên phát huy kết quả đạt được trong những năm qua thực hiện tốt các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng, cùng với các cấp góp phần giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở địa phương trong việc vận động, quyên góp nhiều phần quà thiết thực bằng tiền và hiệt vật để ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình thương binh, liệt sỹ.

Trong quá trình hoạt động, Hội luôn tuyên truyền, giáo dục hội viên hiểu rõ và thực hiện đúng chủ chương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế và hoạt động của DN, hoạt động trong khung khổ pháp luật quy định.

Tích cực vận động hội viên nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh, hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; đề cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, hỗ trợ hội viên nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Việt Tùng mong muốn: “Thời gian tới, tiếp tục xây dựng Hội DN làng nghề thành một tổ chức vững mạnh để thực sự là người đại diện cho nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và các DN. Hội là cầu nối giữa chính quyền và DN, góp phần hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của xã nhà, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, chương trình lớn của Đảng và Nhà nước phát động”.

“Tôi nghĩ rằng, phía doanh nghiệp và các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh hợp tác theo chữ Tâm; sự hợp tác đó phải xây dựng trên cả chữ Tâm và chữ Tầm đề giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Báo chí cần phải công bằng hơn trong đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp, phải phản ánh một cách chính xác các hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở thẩm định tốt thông tin…”, ông Tùng bộc bạch.

Bùi Quyền