Theo đó, trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo văn bản số 654/HĐBCQG-TBVBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia gửi ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị lưu ý, cụ thể:
Thứ nhất, việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương thời gian qua đã dẫn đến biến động khá lớn về danh sách cử tri của một số khu vực bỏ phiếu.
Đối với các khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri tăng thêm lớn, đề nghị địa phương thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 225/VPHĐBCQG-PL ngày 11/5/2021 của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đối với các khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri giảm nhiều so với thời điểm lập danh sách cử tri đến mức ít hơn số lượng cử tri tối thiểu để thành lập khu vực bỏ phiếu theo quy định thì căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp xã quyết định vẫn tiếp tục duy trì khu vực bỏ phiếu đó để tiến hành việc bỏ phiếu bình thường (dự phòng trường hợp cử tri đã đăng ký trong danh sách cử tri quay trở lại khu vực bỏ phiếu trước ngày bầu cử) hoặc quyết định giải thể khu vực bỏ phiếu và tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu đó để ghép chung vào khu vực bỏ phiếu khác liền kề trong cùng đơn vị bầu cử, bảo đảm thuận tiện cho cử tri và phù hợp với năng lực của tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn.
Đồng thời, quyết định giải thể khu vực bỏ phiếu phải được sự phê chuẩn của UBND cấp huyện, UBND cấp xã phải thông báo kịp thời, rộng rãi đến cử tri về việc thay đổi khu vực bỏ phiếu để cử tri biết và thực hiện việc bỏ phiếu theo quy định.
Thứ hai, căn cứ vào quy mô, số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương, UBND cấp xã và tổ bầu cử xây dựng kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết, phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri ở từng thôn, tổ dân phố, cụm dân cư, nhóm hộ gia đình... và thông báo rộng rãi cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết, bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.
Thứ 3, về các trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng, khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 160/NQ-HĐBCQG ngày 22/3/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quy định: “Trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là trường hợp sau khi ủy ban bầu cử công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử mà người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng (chết, bị xóa tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử...) không thể tiếp tục ứng cử theo quy định của pháp luật”.
Do đó, các trường hợp như đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về việc người ứng cử không bảo đảm tiêu chuẩn về lịch sử chính trị, dẫn đến không bảo đảm điều kiện của người ứng cử đại biểu HĐND theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phải xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử; hoặc trường hợp người ứng cử có đơn xin rút ứng cử đại biểu HĐND theo nguyện vọng, hoặc vì bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn đột xuất không thể tiếp tục ứng cử theo quy định của pháp luật thì đều thuộc trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng.
Việc xử lý trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 160/NQ-HĐBCQG ngày 22/3/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Tiếp đó, đối với các khu vực bỏ phiếu đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép thực hiện bầu cử sớm, đề nghị các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương tổ chức việc bầu cử an toàn, chu đáo, đúng quy định.
Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, tổ bầu cử thực hiện việc kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu theo đúng quy định; sau đó niêm phong phiếu bầu, cho vào hòm phiếu, niêm phong hòm phiếu và gửi đến UBND cấp xã.
Đối với những khu vực bỏ phiếu có số lượng lớn cử tri phải cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc tại nhà, cơ sở lưu trú thì đề nghị địa phương xem xét, quyết định chuẩn bị hòm phiếu phụ và khắc bổ sung con dấu “Đã bỏ phiếu” với số lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức việc bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, con dấu “Đã bỏ phiếu” được khắc theo mẫu quy định tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/1/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia nhưng có thể để trống phần số của tổ bầu cử; khi sử dụng để đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri, thành viên tổ bầu cử sẽ tự điền số vào ô trống đó.
Đặc biệt, đối với các khu vực bỏ phiếu còn lại, tùy theo yêu cầu, tình hình thực tế, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các tổ bầu cử sử dụng hòm phiếu phụ và con dấu “Đã bỏ phiếu” tương tự như đã thực hiện tại các kỳ bầu cử trước đây.
Thuận Yến – Thùy Linh