Theo đó, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời không để phát sinh công trình vi phạm mới, TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan cần xác định rõ vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa CATP với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xử lý dứt điểm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đưa vào hoạt động.

Đôn đốc khắc phục, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân để công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực của cơ quan quản lý Nhà nước, các sở, ngành, đơn vị. địa phương và cá nhân có liên quan.

Kế hoạch nêu rõ nội dung, biện pháp thực hiện khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, như: Không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tổng kiểm tra, rà soát, thống kê, lập danh sách số công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động… 

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phê duyệt, thẩm định, thẩm duyệt, cấp phép đối với các dự án công trình xây dựng mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý ngay từ ban đầu; kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, sai phạm về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trong quá trình thi công; kiên quyết xử lý nghiêm và xử lý ngay, xử lý dứt điểm không để phát sinh mới các công trình vi phạm tái diễn…

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 430 vụ cháy đối với công trình không thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thời gian qua, nhiều công trình nhà ở cao tầng, tòa nhà văn phòng dù chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chưa được Cục Giám định Nhà nước thẩm duyệt, đưa công trình vào vận hành nhưng chủ đầu tư đã mặc nhiên để người dân vào ở, hoặc đưa công trình vào sử dụng gây mất trật tự, kiện cáo kéo dài.

Điển hình như dự án chung cư Mỹ Sơn Tower ở 62 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, dù chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn đã bàn giao nhà để cư dân vào sinh sống nhiều năm qua, sau đó gây kiện cáo kéo dài giữa cư dân và chủ đầu tư.

Hay như tòa nhà văn phòng Suced 108 Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liê (tên gọi theo quyết định phê duyệt là “Tòa nhà Trung Tín”), do Công ty CP Trung Tín làm chủ đầu tư. Công trình đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép với quy mô xây dựng 17 tầng, 2 tầng hầm.

Dự án dù chưa được cơ quan chuyên môn cấp thẩm định phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào vận hành, sử dụng. Ngày 12/5/2017, UBND TP Hà Nội quyết định xử phạt chủ đầu tư 1 lỗi vi phạm: Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC; thu số tiền phạt là 80 triệu đồng. 

Còn có thể kế tới dự án Viễn Đông Star tại số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai do Tập đoàn Công nghiệp Viễn Đông làm chủ đầu tư; dù chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng đã để cư dân về ở từ lâu…

Tuyết Hoa