THCL Sáng 7/10, tại Ninh Bình đã diễn ra hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI - năm 2016.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động khuyến công năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016. Từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện kế hoạch khuyến công 3 tháng cuối năm 2016.
Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch, cụ thể hoá kế hoạch bằng các dự án, đề án. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh...
Kết quả cụ thể, 9 tháng đầu năm đã tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 4.875 lao động, đạt 82,49% kế hoạch; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 2.940 người; tổ chức trình diễn được 19 mô hình trình diễn kỹ thuật, hoàn thành hỗ trợ 203 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp; tổ chức hỗ trợ gần 113 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước; kịp thời cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, chương trình đã tư vấn cho 225 dự án phát triển công nghiệp với doanh thu ước đạt 7.456,43 triệu đồng, đạt 61,3% kế hoạch.
Tuy nhiên, số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với tình hình hoạt động công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Nguyên do, cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện là ít và kiêm nhiệm, không chuyên trách; chính sách về khuyến công từ Trung ương đến địa phương còn mới. Mặt khác, một số địa phương vẫn còn đề án khuyến công phải điều chỉnh, phải ngừng thực hiện hoặc chuyển sang năm sau. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ. Chưa có các đề án liên tỉnh, liên vùng có tính lan toả.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), cần tập trung triển khai tốt các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng; thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương 2017... Theo đó, các giải pháp chính cần thực hiện là: xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn thiếu về hoạt động khuyến công của Trung ương và địa phương; kiện toàn mạng lưới khuyến công; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin; huy động thêm nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường liên kết vùng...
Hội nghị đã công bố Quyết định khen thưởng của Bộ Công thương và trao bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công từ năm 2013 - 2015.
Đặc biệt, tại đây cũng công bố báo cáo kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016 với 73 sản phẩm được bình chọn. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm đăng ký bình chọn còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng.
Hà Thu