Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc lần thứ VI/2019 - Hình 1

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị

 Hội nghị nhằm mục đích đánh giá kết quả đạt được của ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019.

Đồng thời, là dịp để sở công thương các tỉnh, thành phố được cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về công thương, những giải pháp, biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong những tháng cuối năm nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 của từng địa phương, đóng góp vào tăng trưởng của toàn ngành công thương cũng như tăng trưởng kinh tế của Khu vực phía bắc.

 Năm 2018, sản xuất công nghiệp khu vực phía bắc tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế khu vực phía bắc cũng như của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) toàn khu vực đạt 4.035,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9 % so với cùng kỳ năm 2017.

 Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của khu vực có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) 4 tháng đầu năm 2019 của khu vực ước đạt 1.324 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 29,09% kế hoạch năm. Trong 4 tháng đầu năm 2019, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của khu vực ước sản lượng tăng so với cùng kỳ 2018.

Công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục được duy trì, phát triển và thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa sở công thương với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn.

 Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được ưu tiên bổ sung tăng thêm, nội dung khuyến công phong phú, đa dạng. Hoạt động khuyến công tiếp tục bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở CNNT và thực hiện đúng định hướng chỉ đạo của Cục Công thương và địa phương, từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh và chủ lực.

Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc lần thứ VI/2019 - Hình 2

 

Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc lần thứ VI/2019

 Năm 2018, toàn khu vực đã thực hiện 581 đề án khuyến công, trong đó khuyến công quốc gia 100 đề án, khuyến công địa phương 481 đề án. Kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2019 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc là 131,987 tỷ đồng, tăng 1,52% so với năm 2018, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 32,06%; kinh phí khuyến công địa phương chiếm 67,94%.

 Đến tháng 6/2019, tổng kinh phí khuyến công ước thực hiện đạt 28,28 tỷ đồng, bằng 21,43% kế hoạch năm. Đến năm 2020, tổng số cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong khu vực là 873 cụm với tổng diện tích quy hoạch 26.679 ha. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ khu vực phía bắc năm 2018 đạt 1.498,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn khu vực...

 Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những ý kiến đóng góp và đề nghị rất sát thực về cơ chế chính sách, cách thức tổ chức triển khai thực hiện hoạt động ngành công thương trên địa bàn và được lãnh đạo Bộ Công thương ghi nhận.

 Trong 8 tháng cuối nămtiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, các Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ Công thương. Xây dựng các cơ chế, chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh và triển khai đầu tư trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển công nghiệp, thương mại.

 Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối.

 Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.

 Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương theo kế hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,  phát triển thị trường thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiệu quả Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và thông tư hướng dẫn thực hiện.  

 Phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...

 Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn) tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa sở công thương các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, góp phần cân đối cung - cầu trong khu vực.

 Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các hiệp định thương mại tự do; công tác bảo vệ quyền người tiêu dùng, thương mại điện tử, phát triển, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giá cả, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng các mối quan hệ liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu vực phía bắc.

 Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai minh bạch các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành...

 Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những ý kiến đóng góp và đề nghị rất sát thực về cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức triển khai thực hiện hoạt động ngành công thương trên địa bàn.

Quỳnh Nga