Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở. 

Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2) giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đang tiếp tục triển khai nhiều dự án, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chủ trương này, sáng 01/08, Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành chức năng, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo các địa phương nơi có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cùng với các doanh nghiệp tại nhiều điểm cầu trên cả nước.

Hoàng Thăng (t/h)