Trong tháng 5, có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm 2,18% (tác động làm CPI chung giảm 0,2%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh giảm vào ngày 28/4/2020, mặc dù ngày 13/5/2020 có điều chỉnh tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82%, trong đó thực phẩm giảm 1,36% (tác động làm CPI chung giảm 0,26%) do hầu hết giá các loại rau, trứng và quả tươi chế biến giảm, riêng giá thịt lợn, thịt gia cầm tươi sống, thịt chế biến vẫn tăng so với tháng trước.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89% (tác động làm CPI chung tăng 0,19%) do giá gas trong nước tăng mạnh trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ hoặc giữ mức tháng trước, trong đó: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 3,15% so với tháng trước, tăng 28,25% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,47% so với tháng 12/2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 giảm 0,45% so với tháng trước, tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,04% so với tháng 12/2019.
Trong ngày, Tổng Cục Thống kê cho biết, CPI tháng 5/2020 cả nước giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 tăng 1,88%; năm 2017 tăng 0,37%; năm 2018 tăng 1,61%; và năm 2019 tăng 1,5%).
Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2018 tăng 3,01%;năm 2019 tăng 2,74%).
Hà Trần