Việt Nam là một quốc gia đa dạng về các chủng loại chè trên thế giới (với hơn 100 loại chè), lớn về diện tích. Năm 2018, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt khoảng 125.000 ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng...; trong đó, diện tích chè kinh doanh là 110.000 ha.
Sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, khoảng 935.000 tấn/năm. Khối lượng xuất khẩu chè chính ngạch năm 2018 ước đạt 145.000 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 245 triệu USD. Tiêu thụ trong nước khoảng 45.000 tấn, doanh thu 5.500 tỷ đồng.
Các đại biểu tập trung thảo luận về xây dựng thương hiệu chè Việt Nam
Dù là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng, nhưng ngành chè Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp do phải cạnh tranh với các ngành kinh tế khác; giảm diện tích do phải cạnh tranh với các cây trồng khác.
Hội thảo lần này có sự tham dự của các đại biểu đến từ 18 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh tập trung bàn luận về những tiềm năng, lợi thế về thương mại và đầu tư của ngành chè Việt Nam. Các đại biểu cũng đưa ra những khó khăn và hạn chế mà ngành chè Việt Nam đang gặp phải. Từ đó, nhiều đại biểu tham dự đã đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chè phát triển theo hướng bền vững; đưa thương hiệu chè Việt Nam gắn với phát triển du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè (đứng thứ 2 thế giới về sản lượng chè xanh và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè) và cũng là ngành hàng chủ lực của nước ta.
Từ đó, Thứ trưởng nhấn mạnh ngành chè Việt Nam cần tận dụng và phát huy các lợi thế trong sản xuất và chế biến chè để mặt hàng này vươn tầm phát triển ra thế giới.
Song song đó, Thứ trưởng TrầnThanh Nam cũng đề nghị, cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chọn tạo và áp dụng trồng các giống chè mới có năng suất cao, bảo tồn các giống chè bản địa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, để tăng năng suất, phẩm cấp để nâng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Nguyễn Quốc