Hội thảo Thúc đẩy kinh tế số (KTS) khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên (NTB-TN) do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tổ chức.
Tham dự Hội thảo có các vị: Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong; TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS-TS Hồ Sỹ Tâm, Phó hiệu trưởng - Trường Đại học Thủy lợi; Trần Kim Kha, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định; đại diện UBND tỉnh/thành phố, đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố khu vực NTB-TN; các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước…
Theo Ban tổ chức, năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) lựa chọn chủ đề là năm “Phát triển KTS với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”. Vì vậy, Hội thảo “Thúc đẩy KTS khu vực NTB-TN” là động thái nhằm hưởng ứng chủ đề của Ủy ban quốc gia về CĐS. Hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của KTS, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về phát triển KTS ở khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp CĐS với chính quyền, DN và người dân địa phương. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của KTS riêng và CĐS nói chung tại khu vực NTB-TN…
Phát biểu chào mừng Hội thảo “Thúc đẩy KTS khu vực NTB-TN”, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang cho biết: Hội thảo là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển KTS. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy KTS phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh CĐS trong các DN dựa trên các nền tảng số.
Ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: CĐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, DN trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, CĐS là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, KTS và xã hội số.
Đồng thời, ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh: Chính phủ số giúp chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng và kiến tạo sự phát triển cho xã hội. KTS không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng, mang lại những tiến bộ về chất lượng cuộc sống…
Cũng theo ông Lâm Hải Giang, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 “KTS chiếm khoảng 20% GDP, đến năm 2030 KTS chiếm trên 30% GDP”. Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai thực hiện công tác CĐS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về CĐS, xác định CĐS là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “Phấn đấu KTS chiếm 10% GRDP”, “Tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.
Ông Lâm Hải Giang cho biết: Hiện nay, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, công tác CĐS của Bình Định đã có chuyển biến tích cực tạo nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều DN công nghệ hàng đầu Việt Nam. Năm 2023, tỉnh Bình Định được Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam chọn đăng cai tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ 24”.
Kết quả, hiện số lượng DN số trên địa bàn tỉnh là 186 DN. Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2 Tập đoàn lớn về CNTT đang hoạt động là TMA và FPT với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các DN viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: CĐS là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) mang lại hy vọng về một sự phát triển đột phá trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Thúc đẩy CĐS quốc gia, trọng tâm là phát triển KTS, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số…”
Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột của CĐS gồm: Chính quyền số, KTS và Xã hội số, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của KTS sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhận thức sâu sắc vai trò của phát triển KTS, với mục tiêu tăng tốc, bứt phá phát triển KT-XH nhanh và bền vững, Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về CĐS đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển KTS với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”.
Cũng theo nhà báo Lê Xuân Sơn: Khu vực NTB-TN có địa bàn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng phát triển KT-XH , AN-QP của cả nước. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ CĐS trên cả ba trụ cột là chính quyền số, KTS và xã hội số. Trong đó, KTS đã đạt được nhiều bước phát triển. Nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2022 như Đà Nẵng , Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực NTB-TN chưa đồng đều, còn khoảng cách xa giữa Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng.
Vì vậy, Ban tổ chức kỳ vọng: Các đại biểu sẽ cùng trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt để thúc đẩy phát triển KTS của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp CĐS với chính quyền, DN và người dân địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động phát triển KTS khu vực NTB-TN….
Phát biểu tại Hội thảo 'Thúc đẩy KTS khu vực NTB-TN”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: Hội thảo là cơ hội tốt để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa KTS trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững. Theo đó, Nghị quyết 23 và 26 của Bộ Chính trị đã chỉ ra Vùng Duyên Hải Trung Bộ có lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển, du lịch. Vùng Tây Nguyên có lợi thế trong sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả và du lịch sinh thái – văn hoá… Bì vậy, KTS sẽ mang đến lời giải mới cho Vùng Duyên hải MT-TN cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đưa ra một số giải pháp, gợi ý về cách tiếp cận để các địa phương, DN, tổ chức quan tâm nghiên cứu, triển khai góp phần thúc đẩy phát triển KTS. Theo ông Phan Tâm, để phát triển KTS, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông. Hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng cho KTS, thúc đẩy hạ tầng TT&TT chính là mở ra không gian phát triển mới cho KT_XH, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do đặc điểm chung của Vùng là còn nhiều khu vực khó khăn, Bộ TT&TT đề xuất các địa phương tăng cường sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các chương trình mục tiêu quốc gia... để hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh, phổ cập hạ tầng băng rộng đến 100% người dân. Đối với các hạ tầng phát triển mới thì đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các DN. Bên cạnh đó, các địa phương cần mạnh dạn thay đổi thể chế số thông qua đề xuất với các cấp có thẩm quyền để áp dụng cơ chế đặc thù tại các địa phương, cho phép cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox); hình thành khu thương mại tự do (free trade zone); ưu đãi thuế thu nhập DN, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại khu công nghiệp, trung tâm CĐS của vùng. Hình thành mỗi Vùng một trung tâm CĐS, thí điểm triển khai các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới…
Đặc biệt, Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý: NTB-TN là vùng có nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, một số tỉnh ở khu vực Tây nguyên có lợi thế về khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình quanh năm thấp, đây là cơ hội để phát triển hạ tầng Trung tâm dữ liệu xanh, là hạ tầng để thúc đẩy công nghiệp dữ liệu, ngành công nghiệp rất có tiềm năng trong tương lai. Bên cạnh những giải pháp thúc đẩy KTS nói chung, các Vùng cũng nên nghiên cứu, xem xét áp dụng các giải pháp để thúc đẩy liên kết Vùng và qua đó thúc đẩy KTS của cả Vùng. Các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ các DN, tập đoàn công nghệ để phát triển, sử dụng các Nền tảng số quốc gia về nông nghiệp, du lịch... Bên cạnh đó là thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng thông qua các trung tâm logistics, cảng biển thông minh, hỗ trợ thương mại điện tử nông sản trong từng Vùng và liên Vùng, giảm chi phí logistics để khai thác lợi thế và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển…
Cũng theo Ban tổ chức, tại Hội thảo'Thúc đẩy KTS khu vực NTB-TN”, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong CĐS đã được đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Theo đó, đại diện Vụ KTS, Bộ TT&TT thì chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy KTS; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ các định hướng về CĐS nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực; Sở TT&TT tỉnh Bình Định chia sẻ một số vấn đề phát triển KTS địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh; đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ CĐS hàng đầu cả nước mang đến các bài tham luận về vai trò của dữ liệu cơ sở các ngành kinh tế cũng như các giải pháp CĐS nông nghiệp; Tổng công ty Viễn thông MobiFone mang đến giải pháp CĐS trong lĩnh vực du lịch; lãnh đạo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Giải pháp tích hợp mở đã chia sẻ về vai trò của cơ sở dữ liệu với phát triển KTS…
Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe tham luận của Trường Đại học Thuỷ lợi về một câu chuyện CĐS thành công là mô hình áp dụng nền tảng IOT trong xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước, an toàn hồ đập và cảnh báo thiên tai. Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 mang đến Hội thảo câu chuyện về Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nơi tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một trang website, một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc…
Viết Hiền