Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội thì Viện truy tố 13 bị can trong vụ án vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài do Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) và các đồng phạm thực hiện. Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền.

Tang vật một vụ vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Ảnh PLVN
Tang vật một vụ vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Ảnh PLVN.

13 bị can bị truy tố gồm Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985), Phạm Anh Tuấn (SN 1984), Nguyễn Văn Thắng (SN 1985), Nguyễn Thị Nga (SN 1988), Nguyễn Thị Hà (SN 1979), Nguyễn Văn Thực (SN 1979), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974), Nguyễn Minh Khang (SN 1995), Phạm Việt Hùng (SN 1991) đều trú ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ;

Phạm Hữu Thuật (SN 1981, ở Quảng Ninh), Nguyễn Văn Việt (SN 1998, ở Hải Dương), Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, ở Hải Dương), Phạm Hồng Hạo (SN 1967, ở Hà Nam).

Cáo trạng truy tố các bị can về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985, ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) cùng 12 bị can khác bị truy tố về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".

Theo cáo trạng, năm 2016, thấy nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị can Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh). Sau đó, Nguyệt cùng đồng phạm hợp thức hồ sơ dưới dạng xuất nhập khẩu hàng hóa để chuyển tiền thông qua 03 doanh nghiệp và 08 công ty "ma" do vợ chồng Nguyệt lập ra, cấu kết với một số nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để thực hiện các phi vụ chuyển tiền.

Cáo trạng thể hiện từ năm 2016-2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, Nguyệt cùng đồng phạm nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyệt thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết. Trong giai đoạn điều tra, gia đình các bị can đã tự nguyện nộp 2,9 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Lê Xuân (t/h)