Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước sang tuần làm việc cuối cùng. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Bên cạnh đó, vấn đề quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); báo cáo tài chính nhà nước năm 2020 và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng được thảo luận trong phiên họp lần này.
Liên quan đến quy hoạch, vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có buổi làm việc về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo giải trình về các nội dung lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, lập quy hoạch tích hợp, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch hết hiệu lực và chính sách thay thế, kinh phí cho hoạt động lập quy hoạch và tư vấn lập quy hoạch…Chính phủ cũng đã tổ chức phiên họp chuyên đề về nội dung này.
Chính phủ đã thống nhất cần báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Quy hoạch. Trước mắt, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xử lý ngay một số vấn đề cấp thiết trong thực thi Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khoá XV.
Đây là điểm mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội bởi trước đây giám sát chủ yếu là hậu kiểm nhưng lần này là giám sát về nội dung, vấn đề đang triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.
Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ...
Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với 11 Bộ, 4 địa phương và đại diện Chính phủ. Chuyên đề giám sát cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia nhà khoa học. Đặc biệt, Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội quan tâm sát sao, liên tục có các buổi làm việc với Đoàn giám sát để làm rõ các vấn đề liên quan.
Q.N (t/h)