Theo đó, cổ phiếu HVN sẽ có giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%. 

Trước đó, ngày 23/4/2018, toàn bộ cổ phiếu HVN đã được hủy niêm yết trên sàn UPCoM. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng đó, giá cổ phiếu HVN ở mức 40.300 đồng/cổ phiếu (tăng gần 1,5 lần so với giá ngày giao dịch đầu tiên 3/1/2017 - là 28.000 đồng/cổ phiếu).

Vietnam Airlines bắt đầu đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM từ đầu năm 2017, ngay sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và thực hiện xong việc cổ phần hóa. Sau hơn 2 năm đăng ký giao dịch,hiện giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines đạt 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).

Hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ lên sàn HOSE vào 7/5 tới - Hình 1

Ảnh minh họa

Từ khi bắt đầu cổ phần hóa (2015), kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines liên tục tăng mạnh, từ mức doanh thu gần 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 400 tỷ đồng (năm 2014), đã tăng lần lượt lên hơn 83.000 tỷ đồng và hơn 2.600 tỷ đồng (năm 2017).

Trong quý I/2019, HVN đã đạt doanh thu gần 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng,  đạt 45% kế hoạch cả năm.

Công ty mẹ ước đạt 19.346 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kỳ và 1.224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Ngoài việc chuyển sàn, trong năm 2019, Vietnam Airlines còn kế hoạch thoái vốn Nhà nước xuống còn 51% theo quyết định của Chính phủ. Hiện Vietnam Airlines vẫn là doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối, khi chiếm 86,19% vốn điều lệ.

Về phương án thoái vốn, Vietnam Airlines cho biết trong đề án đã trình lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào cuối tháng 2 thì phương hướng chính là Nhà nước sẽ giảm quyền sở hữu tại HVN bằng cách bán một phần cổ phần và kết hợp với việc HVN phát hành thêm cổ phiếu.

Ngọc Linh