Theo Tổng cục Thống kê, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong tháng 4, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; cả nước cũng có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động
Nếu tính cả 680 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động có duy nhất ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 527 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm, bao gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…
Cũng trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại dịch diễn ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp; gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trung và dài hạn. Bởi, sau đại dịch, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị.
Qua khảo sát, 31% doanh nghiệp hội viên Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết đã và sẽ tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, 81% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nếu trong tương lai có thể xảy ra những sự kiện tương tự như dịch COVID-19.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số... nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên đó là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư những hạng mục chưa thiết yếu là những yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Hoan Nguyễn