Cụ thể, hệ thống FSD này có thể khiến phương tiện di chuyển không an toàn quanh các giao lộ, chẳng hạn đi thẳng qua giao lộ khi đang ở làn rẽ, đi vào giao lộ có biển báo dừng hay vượt đèn vàng.

Hồ sơ từ Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết, đợt triệu hồi này ảnh hưởng đến 362.758 chiếc xe, bao gồm các mẫu Model 3, Model X, Model Y và Model S được sản xuất từ năm 2016 đến năm 2023.

Để khắc phục sự cố, Tesla sẽ phát hành bản cập nhật phần mềm qua mạng trước ngày 15/04/2023.

Giáo sư Missy Cummings chuyên về các hệ thống tự hành tại Đại học George Mason cho biết: "Điều đáng khích lệ là Tesla đã không chống lại các quyết định từ cơ quan quản lý và đang hợp tác với NHTSA. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy công ty đang hoàn thiện hơn".

Dù vậy, động thái mới này của NHTSA đã làm dấy lên sự e ngại về một hệ thống mà CEO Elon Musk cho rằng quan trọng đối với triển vọng dài hạn của công ty. Hiện vẫn chưa rõ liệu cảnh báo có tác động đến những chiếc Tesla ở các quốc gia khác hay không.

Ngay sau đó, CEO Elon Musk đã phản hồi trên Twitter vào ngày 16/02 với dòng tweet là, việc sử dụng thuật ngữ "triệu hồi" là hoàn toàn sai vì các vấn đề trên có thể được khắc phục bằng bản cập nhật phần mềm.

Công nghệ lái xe tự động của Tesla từ lâu đã vào tầm ngắm của Chính phủ Mỹ. NHTSA đã theo dõi cách Tesla xử lý các hiện trường va chạm kể từ năm 2021 sau hàng chục vụ va chạm đầu tiên. Hay đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra về chương trình hỗ trợ lái xe của Tesla, sau khi NHTSA tiến hành cuộc đánh giá về công nghệ Autopilot của hãng về một số sự cố an toàn.

Qua đó, đại diện của Tesla cũng lưu ý rằng, các tính năng lái xe tiên tiến như FSD hay Autopilot không làm cho ô tô trở nên tự động hoàn toàn và yêu cầu người lái xe cũng phải hết sức chú ý, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các công nghệ đó.

PV (t/h)