Trong đó, Trung ương đã chi 22,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 16,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; 6,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc-xin; 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, đã chi từ ngân sách địa phương là 22,7 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tính đến ngày 15/10, thu ngân sách Nhà nước đạt 83,2% dự toán (ngân sách Trung ương đạt 79,6%; ngân sách địa phương đạt 87,7%), trong đó: thu nội địa đạt 79,3% dự toán, tăng 5,9%; thu về dầu thô đạt 135,6% dự toán (giá dầu quân 10 tháng đạt 64,6 USD/thùng, cao hơn 19,6 USD/thùng so với giá dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,8% dự toán.
Đến ngày 15/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó: 78,84 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; 16,26 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong đó thực hiện các chính sách đã ban hành trong năm 2020 là 13,4 nghìn tỷ đồng; các chính sách ban hành trong năm 2021 là 2,8 nghìn tỷ đồng.
Chi ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 61,1% dự toán, giảm 7,9% so với cùng kỳ, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 45,8% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 72,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 70,0% dự toán.
Cân đối ngân sách Nhà nước các cấp được đảm bảo. Tính hết 15/10/2021, đã thực hiện phát hành 244,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ theo kế hoạch để chi trả nợ gốc đến hạn và bù đắp bội chi ngân sách Trung ương theo dự toán; kỳ hạn bình quân 13,26 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.
PV