Quy mô và số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng nhanh và có những đóng góp hết sức quan trọng với sự tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua. Tại Việt Nam, hiện nay, có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5% tổng số lao động của cả nước. Hộ kinh doanh tính cả phi nông nghiệp và nông nghiệp đóng góp gần 30% GDP của Việt Nam.
2 năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp nói chung và hộ kinh doanh nói riêng là rất lớn. Nếu xét riêng về hộ kinh doanh thì có những khó khăn về dòng tiền, về nhân lực, khách hàng bị gián đoạn, chi phí tăng lên rất nhanh, chi phí vận tải, giá xăng, giá điện đang tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, doanh nghiệp và hộ kinh doanh của nước ta có sức chịu đựng khá tốt, tuy nhiên, nếu không có những sự hỗ trợ cụ thể và kịp thời thì rất khó phục hồi trong thời gian tới.
Ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm: "Chúng tôi kiến nghị những gói hỗ trợ đang thiết kế rồi bây giờ phải thực hiện hết sức tập trung, hiện tại gọi hỗ trợ 26000 tỷ mới thực hiện được 65%. Những vướng mắc cả cơ chế trong thời gian vừa qua phải tháo gỡ ngay, phải giao thời hạn thực thi. Kiến nghị thứ 3 là dứt khoát không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi sản xuất, nguyên vật liệu, nhân lực, đây là thách thức rất lớn đối với cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh".
Vấn đề tiếp cận tín dụng đã khó với các doanh nghiệp thì đối với các hộ kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Đa số các hộ kinh doanh đều cho rằng vẫn phải vay vốn thông qua tài sản đảm bảo cá nhân, còn phương án và mô hình kinh doanh các ngân hàng không đánh giá cao, không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi đi vay.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, cần tăng cường chính sách hỗ trợ vốn của các ngân hàng đối với hộ kinh doanh, hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tại Việt Nam cần có chính sách về vốn cụ thể cho hộ kinh doanh, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, việc đánh giá về tiếp cận tín dụng của các hộ kinh doanh vẫn chưa tốt, đa số các hộ kinh doanh dùng tải sản cá nhân đi vay như cá nhân đi vay, các dự án kinh doanh, tình trạng kinh doanh không được các ngân hàng đánh giá cao, thời gian đi vay ngắn, trong khi các hộ kinh doanh mong muốn sẽ có khoản vay dài hạn hơn.
Có thể nói hộ kinh doanh bao gồm những cá nhân, tập thể nhỏ nhưng duy trì sức mạnh lớn với nền kinh tế. Đây là khu vực các cá nhân dù ở trình độ học thức nào cũng dễ dàng gia nhập. Đây cũng là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, những chính sách cụ thể và kịp thời để hỗ trợ khu vực này cần được triển khai càng sớm, càng tốt.
Đức Anh