THCL Cục Đăng kiểm vẫn “chần chừ” ký văn bản yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi sản phẩm lỗi. Điều này làm nhiều người đặt dấu hỏi rằng, cơ quan quản lý chuyên môn này đang “câu giờ” để doanh nghiệp tự xử lý mà lờ đi quyền lợi người tiêu dùng Việt.
Dây chuyền lắp ráp xe máy tay ga SH ở khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam (ảnh lớn); Hệ thống khóa thông minh của xe SH (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Đã xác định nguy cơ mất tài sản của người tiêu dùng và đã ra dự thảo yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi sản phẩm xe SH bị lỗi hệ thống khóa thông minh; Tuy nhiên, đã mấy ngày trôi qua, Cục Đăng kiểm vẫn “chần chừ” ký văn bản yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi sản phẩm lỗi. Điều này làm nhiều người đặt dấu hỏi rằng, cơ quan quản lý chuyên môn này đang “câu giờ” để doanh nghiệp tự xử lý mà lờ đi quyền lợi người tiêu dùng Việt.
Chần chừ khó hiểu
Chiều 29/11, trao đổi với Tiền Phong, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà cho biết: Hiện đơn vị vẫn chưa có quan điểm chính thức về vấn đề Honda. Dự kiến, đầu tuần Cục Đăng kiểm sẽ họp để quyết định vấn đề này.
Trước đó, đơn vị chuyên môn của cục này đã soạn thảo văn bản gửi Honda Việt Nam để yêu cầu hãng xe máy này triệu hồi dòng sản phẩm vừa ra mắt từ ngày 25/11. Tuy nhiên, văn bản này không hiểu sao vẫn chưa được ký để gửi Honda Việt Nam yêu cầu triệu hồi. Giữa tuần trước, một lãnh đạo khác của Cục Đăng kiểm khẳng định đây là lỗi hệ thống khóa thông minh trên SH ảnh hưởng đến nguy cơ mất tài sản của người tiêu dùng.
Rất nhiều khách hàng quan tâm đến hệ thống khóa của xe SH. Ảnh: Đ.H.
Trong dự thảo văn bản gửi Honda Việt Nam, Cục Đăng kiểm khẳng định đây là lỗi xảy ra liên quan đến hệ thống báo động chống trộm của xe và có thể gây nguy hiểm đến tài sản của người sử dụng xe (mất tài sản) trong một số điều kiện sử dụng nhất định. Nguyên nhân được xác định do hệ thống báo động chống trộm tự hủy sau 10 phút kích hoạt đã hoạt động không đúng chức năng thiết kế và công bố của Honda Việt Nam.
Dự thảo nói rõ rằng, căn cứ vào Thông tư 45 của Bộ trưởng GTVT ban hành năm 2012 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp mô tô, xe gắn máy, Cục Đăng kiểm yêu cầu Honda Việt Nam thực hiện chương trình triệu hồi để khắc phục lỗi đã xảy ra liên quan đến hệ thống báo động chống trộm của hai mẫu xe SH 125 và SH 150.
Khóa thông minh của xe SH.
Phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, những thông tin ban đầu từ cơ quan quản lý chất lượng xe cơ giới cho thấy rằng, sản phẩm Honda SH vừa tung ra thị trường bị lỗi. “Tôi nghĩ Cục Đăng kiểm chần chừ đưa ra quyết định cuối cùng có thể họ đang cân nhắc đến uy tín của Honda Việt Nam. Quan điểm cá nhân tôi, sản phẩm tung ra thị trường lỗi phải triệu hồi. Cục Đăng kiểm phải yêu cầu ngay để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, để càng lâu, kéo dài thì người dân có quyền nghi vấn đằng sau sự trì hoãn này có vấn đề gì?”, ông Long đặt dấu hỏi.
Ngày 26/11, trong buổi ra mắt xe máy mới tại TPHCM, nhiều phóng viên cũng đã hỏi lãnh đạo Honda Việt Nam liên quan đến lô 1,2 vạn xe SH của hãng này bị lỗi hệ thống khóa thông minh, nhưng gần như lãnh đạo cấp cao hãng này đều từ chối khéo câu trả lời. Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, ông Minoru Kato chỉ nói chung chung đại ý rằng, hãng tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, Honda sẽ chủ động trong việc triệu hồi này.
Liên quan đến câu hỏi sản phẩm SH lỗi có xuất khẩu ra các thị trường khác hay không, ông Kato không trả lời. Theo con số từ chính Honda Việt Nam, năm 2015, hãng dự kiến sản lượng xuất khẩu xe máy đạt 130.000 chiếc, tức tăng 30.000 chiếc so với năm trước. Vị này đưa ra thông tin về nhà máy tại Vĩnh Phúc, theo đó, dây chuyền sản xuất động cơ dừng hoạt động, còn dây chuyền sản xuất các phụ kiện khác phục vụ xuất khẩu hoạt động bình thường. Vì vậy sẽ không có chuyện đóng cửa nhà máy Honda tại Vĩnh Phúc.
“Cơ sở sản xuất phải triệu hồi các sản phẩm do mình sản xuất, lắp ráp trong các trường hợp sau: 1. Sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó; 2. Sản phẩm gây ra nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo; 3. Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định”. Trích Điều 12, Chương III, Thông tư số 30/2011/TT-BGTVTquy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới
|
Theo Tiền Phong