Họp báo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV - Hình 1

Quang cảnh buổi họp

Tham dự họp báo có các vị, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các ban của UBTVQH; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; các cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Giới thiệu về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là kỳ họp giữa năm thứ tư của nhiệm kỳ Khoá XIV - năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20/5 và sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày (không kể ngày nghỉ), và họp phiên bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Cụ thể như sau: Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp.

Ngoài ra, tại kỳ họp này Quốc hội cho ý kiến về 9 dự án luật, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Theo báo cáo, trong năm 2018, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cậptrong nội tại. Mặc dù vậy, mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội.

Trong quý I/2019, tình hình KT-XH vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực…

Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.

Tuấn Ngọc