Tham dự họp báo có: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hoàng Minh Sơn (Phó trưởng ban chỉ đạo, Trưởng ban tổ chức giải); Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (Phó trưởng ban chỉ đạo); Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Triệu Ngọc Lâm (thành viên Ban chỉ đạo, Phó trưởng ban thường trực ban tổ chức); Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Vũ Minh Đức; Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Bích Hợp; nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi… cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban, ngành Trung ương và Hà Nôi và các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hoàng Minh Sơn cho biết:
Giáo dục và Đào tạo luôn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội; ngành Giáo dục tác động lớn, thường xuyên, lâu dài đến tương lai phát triển của đất nước, của từng gia đình. Vì vậy, các hoạt động của ngành luôn được từng gia đình và toàn xã hội quan tâm và kỳ vọng.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành Giáo dục trong nhiều năm qua đã thực hiện nhiều chủ trương đổi mới lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; triển khai Luật Giáo dục 2019; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành Giáo dục không chỉ là xây dựng chương trình mà còn chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa; phát triển đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho chương trình mới; chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác để triển khai chương trình.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học là triển khai tự chủ đại học. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, từ mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, cho tới tự chủ việc tổ chức bộ máy, tổ chức tài chính. Những việc này mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Những nhiệm vụ của ngành đã khó, phức tạp, lại càng khó khăn, phức tạp khi chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện ở cả bậc phổ thông và đại học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Những kết quả mà ngành Giáo dục đạt được có sự đóng góp nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành, toàn xã hội; trong đó có đóng góp thầm lặng, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự vươn lên nỗ lực của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên; các gia đình luôn tích cực, chủ động tham gia đóng góp cho ngành.
“Những kết quả đạt được của ngành Giáo dục, có sự đóng góp quan trọng, lớn lao của các nhà báo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí. Ngành Giáo dục sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, từ việc xây dựng các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức triển khai… nếu như không có những hoạt động tuyên truyền định hướng chính sách, phản biện từ các nhà báo, cơ quan thông tấn báo chí”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ V dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong và ngoài nước; thời gian đăng, xuất bản từ ngày 05/09/2021 đến hết ngày 05/09/2022, cụ thể.
Loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Thể loại và loại hình báo chí được xét trao Giải
Loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.
Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Không nhận các tác phẩm mang tính hư cấu (như tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, phim truyện…).
Tác phẩm được xét trao Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.
Quy định đối với từng thể loại như sau:
Báo in
Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và có thể thực hiện đan xen bằng nhiều thể loại báo chí.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không cùng một đề tài.
Báo điện tử
Tác phẩm tham dự Giải phải là tác phẩm thực hiện riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in; thể hiện được đặc trưng của báo điện tử (ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện), bao gồm cả các sản phẩm đa phương tiện. Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) dưới hình thức thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc đa phương tiện của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và có thể thực hiện đan xen bằng nhiều thể loại báo chí.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không cùng một đề tài.
Phát thanh
Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt tin (không quá 05 phóng sự), một hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) về cùng một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng.
Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: Tối đa 60 phút/tác phẩm.
Truyền hình
Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự (không quá 05 phóng sự, kỳ), một hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 05 chương trình) về một chủ đề, sự kiện.
Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động. Kỹ thuật hình ảnh, âm thanh phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: Tối đa 120 phút/tác phẩm.
Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày phát động đến hết tháng 09/2022.
Địa chỉ nhận tác phẩm: Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua Email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn
Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022.
Cơ cấu và giá trị giải thưởng
01 giải Đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất;
01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình);
Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (02 nhân vật). Mỗi giải thưởng sẽ bao gồm Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiền thưởng bằng tiền mặt:
Giải Đặc biệt: 60.000.000 đồng - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giải Nhất: 30.000.000 đồng/giải; Giải Nhì: 15.000.000 đồng/giải; Giải Ba: 10.000.000 đồng/giải; Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải;
Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng.
Hương - Nhật