Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay (4/9), Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa sẽ tới Thủ đô Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 – 7/9.

Diễn ra vào dịp đặc biệt khi hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của cá nhân Chủ tịch Otsuji Hidehisa và của Lãnh đạo Nhật Bản đối với Việt Nam, tiếp tục cụ thể hóa tinh thần tuyên bố chung hướng tới giai đoạn mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa hai nước.

Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, ghi dấu mốc tròn nửa thế kỷ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 – 21/9/2023) và đang cùng nhau kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho 50 năm tiếp theo. Sau 50 năm, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam tháng 5.2022. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2022 (Ảnh: Lâm Hiển)

Hai nước không ngừng nâng cấp các khuôn khổ quan hệ hợp tác. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các kênh diễn ra sôi động. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường.


Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, y tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu... đều được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai bên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Trong sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển.

Hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và trao đổi kinh nghiệm giữa các ủy ban và các nghị sĩ của Quốc hội, góp phần thiết thực triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hỗ trợ hoạt động của chính phủ và thúc đẩy ngoại giao nhân dân, cũng như tạo thuận lợi cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước. Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản cũng thúc đẩy hoạt động giao lưu trong khuôn khổ các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nghị sĩ nữ và Nghị sĩ trẻ hai nước.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm trực tuyến hồi đầu năm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Kishida Fumio về tạo đột phá, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần khẳng định, Việt Nam có vị thế quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực. Do đó, về phía Nhật Bản, chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa không chỉ thể hiện sự coi trọng của cá nhân ông Otsuji Hidehisa mà còn của Lãnh đạo Nhật Bản đối với quan hệ hai nước và quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước. Chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng tiếp tục cụ thể hóa tinh thần tuyên bố chung “Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản thăm chính thức khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện hơn và hiểu biết giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc, mật thiết hơn; đồng thời tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng xác định “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Thiên Trường