Theo đó, Lễ hội “Dương Nỗ - Hành trình tháng 5” do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, từ ngày 16 - 18/5.

Đình làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP Huế
Đình làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP. Huế

Chương trình khai mạc bắt đầu từ 19 giờ 00, ngày 16/5, tại Đình làng Dương Nỗ.

Được biết, sau Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội, những ngày tiếp theo là Lễ rước hoa Sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Di sản Hồ Chí Minh”; Triển lãm mỹ thuật “Tranh dân gian Việt Nam”; Trải nghiệm làm hoa sen giấy, in tranh, viết thư pháp; Trải nghiệm ẩm thực truyền thống làng Dương Nỗ; trò chơi dân gian; Thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi với Bác Hồ”; Chương trình ca Huế và Bolero; Hội đua trải truyền thống…

Nhà lưu niệm thời thơ ấu của Bác Hồ ở làng Dương Nổ
Nhà lưu niệm thời thơ ấu của Bác Hồ ở làng Dương Nổ

Lễ hội “Dương Nỗ - Hành trình tháng 5” - nhằm giới thiệu đến khách tham quan giá trị tinh thần và vật chất của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Thừa Thiên Huế, trong đó có các di tích quốc gia đặc biệt; xây dựng Lễ hội thành sản phẩm văn hóa độc đáo, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.

Ngôi nhà Bác từng sống thời thơ ấu
Ngôi nhà Bác từng sống thời thơ ấu

Được biết, Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương (TP. Huế) cùng với Đình làng, Am Bà, Bến Đá, ngôi nhà đã góp phần tái hiện lại cuộc sống của Người và gia đình ở làng quê Thừa Thiên Huế, những năm cuối thế kỷ XIX (1898 - 1900).

Năm 1898, sau khi thi Hội, khoa Mậu Tuất lần thứ 2 không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được cụ Nguyễn Sĩ Độ - làm chức Hương bộ trong làng mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho cụ Loan và cũng để cụ Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy học cho 2 con đã đến tuổi học chữ. Về đây, cụ Sắc được gia đình cụ Nguyễn Sĩ Độ giao cho ngôi nhà tranh 3 gian, 2 chái làm chỗ ở cho cụ và 2 con, đồng thời cũng là nơi cụ Sắc mở lớp dạy học.

Đây là nhà gỗ 3 gian, 2 chái, mái lợp tranh, xung quanh thưng bằng gỗ ván, mang dáng dấp ngôi nhà của ông đồ nho xứ Nghệ. Lớp học đặt ở đây, gian giữa có kê bức phản lớn, 2 gian bên có bức phản ngựa gỗ kê để học trò ngồi học. Hai chái 2 đầu nhà là 2 buồng: Một buồng là nơi cất áo quần của 3 cha con, 1 buồng để cất cơm gạo. Hai bên lối vào nhà, có 2 hàng dâm bụt đưọc cắt xén cẩn thận, trước mặt là dòng sông Phổ Lợi. Với cây đa, bến nước, đình làng, ngôi nhà tựa như khung cảnh làng Kim Liên quê Bác.

Sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thuỷ chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc...., đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

                                                                                                                              Minh Tích

.