Cầu Phú Lưu qua Cồn Hến bị phong toả từ tối 4/11/2021
Cầu Phú Lưu qua Cồn Hến bị phong toả từ tối 4/11/2021

Tối 4/11/2021, cầu Phú Lưu, con đường duy nhất vào Cồn Hến bị rào chắn, con đò ngang sông Hương qua phố Chi Lăng bị nằm bờ. Thế là hơn 1.200 hộ dân với gần 5.000 người dân của ốc đảo này bị cách ly hoàn toàn với phần còn lại của TP. Huế. Người dân Cồn Hến quá bất ngờ, cứ ngỡ dịch Covid-19 ở đâu đâu, ai ngờ chừ nằm ngay trước ngỏ, thậm chí ngay trong ngôi nhà ấm cúng của mình.

Con đò cũng gác mái...
Con đò cũng gác mái

Cồn Hến có 3 tổ 11,12,13 thì tổ 13 nằm ngay con đường chính mang tên Ưng Bình - nhà thơ nổi tiếng của Huế, kéo dài từ cầu Phú Lưu đến bến đò Cồn. Tổ Dân phố này có 386 hộ dân với gần 1.600 người, ngày thường đông vui nhộn nhịp, với những hàng ăn hai bên đường từ sáng sớm đến khuya.

Nhưng chỉ sau 1 ngày thì biến đổi hẳn, khi gần 30 người là F0 kéo theo hơn trăm người dân bị đưa đi cách ly. Trong đó, gần 20 ngôi nhà là “trắng” đi cả nhà. Có những gia đình như ông Lê Văn Tao, bà Trần Thị Diệu…, người bệnh ở nhà không ai chăm sóc, còn người khoẻ phải đi cách ly.

Cồn Hến vắng lặng, ngoài đường không một bóng người.

Con đường Ưng Bình mấy mươi năm xuống cấp, mới bủa nhát búa đầu tiên thì... bùng dịch
Con đường Ưng Bình mấy mươi năm xuống cấp, mới bủa nhát búa đầu tiên thì... bùng dịch

Cồn Hến nghèo lắm, vì qui hoạch treo nên hơn 20 năm qua như bị bỏ quên. Hạ tầng đường sá, cầu cống, trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng đều xuống cấp…

Ngày 3/11/2021, chiếc xe cần trục bổ nhát búa đầu tiên để cày xới làm lại đường Ưng Bình chỉ hơn 200 m, thì ngày 4/11/2021 phải đóng máy vì dịch bệnh. Đến nỗi, anh Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố nói vui với tôi: “Thấy chưa, đúng là cái số, đường Ưng Bình phải giữ nguyên không được thay đổi. Anh kêu cho lắm, chừ mới khoan 1 ngày đã bị dịch…”.

Hạ tầng đã vậy. Cuộc sống người dân Cồn Hến càng khổ hơn, đa số là lao động nghèo, nhất là tổ 13. Người dân chủ yếu bán hàng rong với gánh cơm hến trên vai, nách bánh bèo, bánh lọc hay bán vé số, đi xe thồ… kiếm gạo ăn hàng ngày dù mưa, dù gió họ vẫn bươn chãi khắp nẻo đường phố Huế. Vì vậy, chỉ cần vài ngày ở nhà là bếp họ cũng tắt lửa theo.

Một người dân vui mừng khi nhận quà hỗ trợ
Một người dân vui mừng khi nhận quà hỗ trợ

Khi dịch đến, cầu Phú Lưu rào chắn, con đò nằm bến thì nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí, có người than thở: “Biết vậy khai là F1 để được cách ly, có Nhà nước nuôi ăn qua mùa dịch!”. Qua ngày thứ 4 đã có người kêu cứu đến tổ dân phố, Chi bộ 13, nhờ hỗ trợ…

Anh Huỳnh Văn Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố 13, Thượng uý Phan Văn Huy, Công an khu vực và 19 người ở Tổ phòng chống dịch, trực chốt 24/24. Những ngày này, chỉ ở ngoài đường, hết truy vết F1 đến dẫn đoàn y tế xét nghiệm cho bà con rồi chở hàng từ bên ngoài chuyển vào đưa đến tận nhà cho người dân. Họ hy sinh tất cả vì cộng đồng, trong khi gia đình họ cũng khó khăn như mọi người…

Ô. Trần Minh Tích Trưởng đại diện Thương Hiệu& Công Luận tại TT Huế đang bàn giao cho địa phương quà vận động hỗ trợ người dân Cồn Hến
Nhà báo Trần Minh Tích, Trưởng đại diện Tạp chí Thương hiệu & Công luận tại tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao cho địa phương quà vận động hỗ trợ người dân Cồn Hến

Anh Hải cho biết, đi chuyển hàng chứng kiến có nhiều nhà rất khó khăn, nhìn chảy nước mắt nhưng cũng từ đó mới thấy “tình làng nghĩa xóm”. Khi nhiều nhà may mắn có bà con, bạn hữu bên ngoài nghe Cồn Hến bị phong toả, đã gửi hàng vào hỗ trợ; không cần ai bảo ai, người nào cũng tự động chia sẻ cho bà con xung quanh từng gói mì, lon gạo, chai nước mắm...

Thậm chí, anh Phạm Ngọc (sơ 43 Ưng Bình), vơ ngoài vườn được trái cà, khóm rau, nãi chuối nào đều đưa hết ra bên ngoài mời bà con tự do đến lấy về dùng. Anh “mời” liên tục mấy ngày, đến nỗi rau không ra kịp, củ quả hết nhẵn mà không chút tiếc nuối.

Chi bộ Tổ 13 - Cồn Hến, chủ yếu là hưu trí cũng gom góp với nhau hỗ trợ Tổ Phòng chống dịch, kêu gọi các nơi hỗ trợ người dân…

Anh Phạm Ngọc chia sẻ với người dân xung quanh từng ngọn rau, trái cà...
Anh Phạm Ngọc chia sẻ với người dân xung quanh từng ngọn rau, trái cà...

Người trong khu phong toả chia sẻ lẫn nhau, người ngoài khu phong toả cũng hướng về Cồn Hến. Từ những bài báo kêu gọi từ trong tâm dịch, nhiều nhà báo đã kết nối với tôi như Văn Thắng (Báo SGGP), Bùi Ngọc Long (Báo Thanh Niên), Đăng Hậu (nhóm thiện nguyện gạo ATM).. đưa về từng ổ mì, chai dầu ăn, bao gạo.

Thậm chí, giáo xứ Phú Hậu thức mổ heo cả đêm để làm nhân bánh mì chuyển về cho người dân Cồn Hến; nhóm anh Hồ Anh Kiệt thành lập hẳn Group “Hỗ trợ vùng Cồn Hến - Vỹ Dạ”… Những phần quà hỗ trợ này, đều đưa về UBND phường Vỹ Dạ để cũng chia sẻ…

Tuy chậm hơn vì Cồn Hến rào chắn - “cách ly nhà với nhà” từ tối 4/11, nhưng đến 12h ngày 10/11/2021 mới có quyết định phong toả Cồn Hến chính thức của UBND tỉnh và chính quyền cũng bắt đầu vào cuộc. Khi cả trăm suất lương thực, thực phẩm thiết yếu được chuyển về cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn thực sự…

Bây giờ Cồn Hến không hề đơn độc. Cồn Hến đang được cộng đồng quan tâm trong trận chiến chống dịch Covid-19 không cân sức này.

Lãnh đạo tỉnh cùng nhiều cán bộ đương chức, về hưu, cộng đồng... đã liên tục điện thoại, nhắn tin hỏi thăm tình hình người dân Cồn Hến.

Cảm phục 21 anh chị em trong Tổ Phòng chống dịch, hơn 10 ngày qua trực chiến 24/24 vì 5.000 người dân nơi đây!

Xe cứu thương về Cồn Hến đưa người bệnh đi điều trị
Xe cứu thương về Cồn Hến đưa người bệnh đi điều trị

Ốc đảo này vẫn đang bị phong toả, hàng ngày ngoài đường không có bóng người dân, chỉ có những người mặc trang phục bảo hộ y tế đi lại. Đêm đêm, người dân vẫn giật mình khi nghe tiếng còi hú, ánh đèn chớp đỏ của xe cứu thương về đưa người đi; hoảng hốt khi cán bộ y tế đến gọi tên dù chỉ để đi test…

Nhưng bây giờ, người dân Cồn Hến thấy an lòng hơn. không phải hoảng hốt như những ngày đầu phát dịch bệnh.

Như anh Nguyễn Dũng Bí thư, anh Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ tâm sự: "Mỗi người góp chút công sức, chúng ta cùng nhau khống chế dịch bệnh và dứt khoát không để người dân nào thiếu đói!"...

                                                                                                                                     Trần Minh Tích