Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa THiên Huế đang trả lời báo chí
Liên quan đến khu vực Cồn Hến (thuộc phường Vỹ Dạ, thành phố Huế), một phường ở ngay trung tâm thành phố nhưng khu vực Cồn Hến có diện tích khoảng 30ha, với 782 hộ dân và gần 5000 nhân khẩu như vùng sâu, vùng xa khi điện, đường, trường học, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, các thiết chế văn hóa… gần 20 năm qua không được đầu tư xây dựng, khiến tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng, môi trường sống bị đe dọa…
Ưng Bình- con đường chính của khu vực Cồn Hến chỉ mưa là ngập sâu
Đặc biệt, lối giao thông duy nhất phục vụ cho 5000 người dân ở đây là cây cầu sắt, nền đổ bê tông nối từ đường Nguyễn Sinh Cung qua Cồn Hến, từng có thiết kế vận tải 3,5 tấn nhưng chỉ mới một năm sau tu sửa (2008) đã phải gắn biển “cầu hỏng”, chỉ sử dụng cho xe máy và người đi bộ. Điều này dẫn đến khi người dân khu vực Cồn Hến bị tai nạn cấp cứu, hỏa hoạn đều gặp trở ngại lớn.
Thậm chí như ông Nguyễn Văn Bôn- Bí thư Chi bộ 6B ở Cồn Hến cho biết: Người chết xe ô tô đưa từ bệnh viện đến cầu cũng phải dừng lại để chuyển sang xe máy người nhà ôm chở về.
Phản ánh của các nhà báo cho biết, qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, nhiều người dân ở đây cho rằng họ nghèo là do chưa được quan tâm. Nguyên nhân, vì Cồn Hến được quy hoạch là khu du lịch từ năm 1997, sau đó được chỉnh sửa rất nhiều lần và đến năm 2009 chính thức qui hoạch chi tiết Cồn Hến thành “Khu du lịch cao cấp”. Tuy Cồn Hến được gọi là đảo du lịch, đảo ẩm thực vì nơi đây là “cái nôi” của nhiều đặc sản nổi tiếng của Huế như các món chế biến từ hến; các món chế biến từ bắp (ngô); các loại bánh Huế (như bèo, nậm, lọc…).
Người dân sống xung quanh là nước thải, vệ sinh môi trường quá kém
Đặc biệt, Cồn Hến là hòn đảo nổi lên giữa lòng sông Hương (được gọi là Tả Thanh Long), một mảng xanh rất đẹp giữa thành phố Huế, nơi có nhiều đình chùa, miếu thờ…nên thu hút hàng trăm du khách trong nước và nước ngoài mỗi ngày nhưng do đường sá nhếch nhác, thiếu điện sáng, môi trường bẩn thỉu, xe ô tô không qua được… nên không thể giữ được chân du khách. Vì vậy người dân nơi đây muốn làm giàu từ đặc sản nổi tiếng của mình không thể làm được mà phải “tay xách, nách mang” đi bán dạo ở phố, chợ và “nghèo vẫn… hoàn nghèo.
Cây cầu hỏng phục vụ 5000 người dân Cồn Hến hơn 10 năm nay
Trả lời về vấn đề này, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ làm việc cụ thể với Thành ủy, UBND TP Huế liên quan đến khu vực Cồn Hến, không thể để giữa thành phố Huế, đô thị loại 1 lại có “vùng lõm” như thế được. Ông cho biết thêm, Cồn Hến là khu qui hoạch mở đang chờ đợi các nhà đầu tư… Nhưng dù qui hoạch hay không vẫn phải đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân ở nơi đây; không thể để người dân ở trong môi trường sống nhếch nhác, cơ sở hạ tầng không đảm bảo… Trước mắt tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cây cầu, lối giao thông duy nhất của người dân nơi đây, đảm bảo an toàn và cuộc sống cho người dân Cồn Hến vì có qui hoạch hay không cũng phải làm cầu. Thứ hai là sẽ đầu tư, nâng cấp một số công trình thiết yếu phục vụ người dân như đường sá, công trình văn hóa phục vụ cộng đồng…
Cồn Hến như hòn đảo nhỏ nổi lên giữa sông Hương, người dân đang mong chờ đầu tư
Ông Thọ cho biết thêm, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện 4 chương trình trọng điểm, đó là: Phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế- kỹ thuật; phát triển du lịch- dịch vụ; cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế. Làm sao, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế - Kinh đô của lễ hội và ẩm thực, tạo động lực nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trần Minh Tích