Trước thực trạng trên, nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh với vai trò là Cơ Quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên và phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên đã tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Cục Cảnh sát giao thông (C67) thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác chủ động trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu lớn, có tính chất liên tỉnh, liên tuyến và liên quan đến một số đối tượng là người Hưng Yên.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua địa bàn tỉnh Hưng Yên và đã đạt được kết quả nhất định. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Công an, Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm về kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước) xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 981,3 triệu đồng, số tiền bán phát mại hàng tịch thu là 2 tỷ 432 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy là 407,454 triệu đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-PHCBL ngày 05/12/2017 về việc phối hợp tổ chức lực lượng bắt giữ, xử lý hành vi gian lận trong nhập khảu mặt hàng bắt đĩa, gốm sứ thủy tinh xảy ra tại cửa khẩu Hữu Nghị: Tổ công tác phối hợp kiểm tra, bắt giữ 25 xe ô tô, xử phạt hành chính 23 đối tượng với tổng số tiền 601,5 triệu đồng, số tiền bán phát mại hàng tịch thu là 1 tỷ 172 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá là 177,864 triệu đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 01/KHPH ngày 16/4/2018 về việc tổ chức, bắt giữ, xử lý và điều tra xác minh đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trốn lậu thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam trên tuyến Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai năm 2018: Tổ công tác phối hợp kiểm tra, bắt giữ 08 xe ô tô, xử phạt 09 đối tượng với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 258,5 triệu đồng, số tiền bán phát mại hàng tịch thu là 555 triệu đồng đồ, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá là 230,044 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến còn gặp một số khó khăn do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động và khó lường hơn cụ thể như:
Với vị trí địa lý và đường giao thông thuận lợi trong khu vực tam giác kinh tế nên tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh, tuy chưa ở mức độ nghiêm trọng song tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Địa bàn tỉnh Hưng Yên có các tuyến đường vận chuyển hàng hóa thuận lợi như Quốc lộ 5A, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên việc dừng phương tiện kiểm tra hàng hóa của các cơ quan chức năng rất hạn chế. Ngoài ra, Hưng Yên có tuyến giáp ranh với thành phố Hà Nội rất dài, các đối tượng có thể lợi dụng linh hoạt nhiều địa điểm giáp ranh để sản xuất, tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả sau đó sang tải, xé lẻ hàng hóa để đưa đi tiêu thụ.
Các đối tượng che dấu hành vi vi phạm và đối phó với cơ quan chức năng bằng sử dụng hồ sơ thanh lý hoặc hóa đơn chứng từ hợp lệ của lô hàng khác để quay vòng, vận chuyển hàng hóa nhập lậu; hàng hóa được xếp kèm hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa không đúng số lượng, chủng loại với tờ khai nhập khẩu; lợi dụng chính sách của nhà nước cho phép cư dân biên giới mua hàng hóa của các nước có chung đường biên giới trong hạn mức không phải nộp thuế. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ thường trình bày là mua hàng hóa của cư dân biên giới rồi sử dụng hóa đơn bán hàng thông thường của các hộ kinh doanh khu vực biên giới để hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu.
Đối với hàng hóa dễ tháo dời thì các đối tượng buôn lậu chia nhỏ, tạo các hầm, vách ngăn trên các phương tiện để dễ dàng vận chuyển. Sử dụng phương tiện container còn vỏ kẹp chì của Hải quan, sử dụng xe ô tô du lịch tháo ghế ngồi để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Lợi dụng quy định tạm nhập tái xuất sau đó không thực hiện tái xuất hàng hóa hoặc dùng nhiều bộ hồ sơ tái xuất khác nhau để quay vòng khi bị kiểm tra.
Đặc biệt thực trạng hiện nay cho thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Về cơ bản các đơn vị kinh tế, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt đường lối, chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận có thể lợi dụng với vỏ bọc là doanh nghiệp được phép nhập khẩu hàng hóa để hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán các sản phẩm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Lợi dụng kẽ hở của các văn bản quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường như Thông tư 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP cho phép hàng hóa của người không trực tiếp nhập khẩu được sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định số 51/2010/NĐ - CP quy định trong quản lý hộ kinh doanh cá thể của ngành Thuế cho phép các hộ kinh doanh có thể được phép sử dụng hóa đơn bán hàng trong quá trình kinh doanh nhưng không quy định phải chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đầu vào. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để sử dụng hóa đơn bán hàng của các hộ kinh doanh để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa nhập lậu.
Lợi dụng chính sách thuế quan đối với nguyên phụ liệu là hàng tạm nhập tái xuất để buôn lậu không thực hiện khai báo với các cơ quan: Hải quan, Thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn có bất cập về tính thống nhất giữa các Luật, giữa các chế tài quy định về thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, quy định về hành vi kinh doanh hàng cấm. Phương tiện, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Để nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên đưa ra những giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, xây dựng nhân mối, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng và giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh đặc biệt là các tỉnh biên giới để xây dựng các kế hoạch phối hợp liên ngành đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu có quy mô lớn mang tính chất liên tuyến, liên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Theo T.Lan/BCĐ 389