THCL- Công ty TNHH Tuấn Cường Plastic (trụ sở xã Minh Hải, Văn Lâm, Hưng Yên) ngang nhiên xả thải, gây ảnh hưởng tới nguồn nước, đời sống và sản xuất của nhiều gia đình khiến dư luận bức xúc.  

Theo phản ánh của người dân 2 xã Minh Hải và Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) về việc Công ty Tuấn Cường, dù đã 2 lần bị tỉnh Hưng Yên xử phạt về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng DN không khắc phục theo đúng cam kết mà vẫn ngang nhiên xả thải; làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sản xuất, sinh hoạt...

Trong đó, hệ thống kênh mương bị ô nhiễm, khiến một số diện tích ruộng lúa của người dân thôn Ao phải bỏ hoang hóa. Mặc dù, công ty đã nhiều lần cam kết với người dân xã Minh Hải và các cơ quan chức năng, tạm dừng sản xuất để xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định, nhưng hiện nước thải vẫn xả ra môi trường, bốc mùi nồng nặc… khiến người dân đành dùng giải pháp đắp đập ngăn nước thải của công ty, chảy ra môi trường.

Hưng Yên: Công ty TNHH Tuấn Cường xả thải gây ô nhiễm môi trường - Hình 1

Nước thải của Công ty TNHH Tuấn Cường Plastic xả thẳng ra môi trường

Anh Trần Văn Hoàn, một người dân sống gần đó bức xúc: “Kênh C5, T10 được đầu tư xây dựng nhằm để dẫn nước tưới tiêu phục vụ việc trồng lúa theo chính sách của UBND xã về việc "quyết tâm không để đất hoang hóa và nhằm ổn định cây lương thực trên địa bàn". Tuy nhiên hiện nay, đang bị các DN chiếm dụng làm nơi chứa nước thải.

Trước vấn đề này, người dân trong thôn đã liên tục có ý kiến về hoạt động sản xuất của Công ty Tuấn Cường, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền tỉnh Hưng Yên đã xử phạt hành chính và nhiều đoàn của huyện, tỉnh về kiểm tra, yêu cầu nhà máy đảm bào về môi trường. Nhưng không hiểu sao các đoàn vừa đi khỏi, công ty lại hoạt động, nước thải xả trực tiếp ra kênh T10 và C5 làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân”. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Xã đã nhiều lần xuống nhắc nhở công ty về hoạt động xả thải do người dân phản ánh, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng huyện, tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, khiến dư luận bức xúc.

Xã đã phối hợp với chính quyền thôn cùng người dân đắp bờ ngăn không cho nước thải tràn vào diện tích ruộng, khu dân cư, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, xã mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý nghiêm đối với Công ty Tuấn Cường. 

Được biết, năm 2006, Công ty Tuấn Cường hoạt động với danh nghĩa chuyên sản xuất các loại túi siêu thị, nguyên liệu chủ yếu là các loại hạt nhựa nhập khẩu. Từ cuối năm 2013, khi chuyển sang sản xuất hạt nhựa từ phế liệu, công ty đã đăng ký nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Theo đó, nguyên liệu nhập khẩu sẽ là phế liệu sạch không có tạp chất nguy hại gồm nhựa đã qua sử dụng ở dạng khối, thanh, cục, mẩu vụn; bao bì đựng nước tinh khiết đã qua sử dụng... Đây là các phế liệu không có khả năng tạo ra nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, công ty không dùng phế liệu nhập khẩu mà sử dụng các loại vỏ bao và nhựa chưa được làm sạch, chứa đầy tạp chất bẩn. Dây chuyền xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn, công nghệ chủ yếu là lắng lọc đơn giản, hệ thống xử lý nước thải vẫn không được cải tạo lượng nước thải trong quá trình tẩy, rửa các bao bì, ninon đã bị tràn ra ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, tháng 12/2013 và tháng 7/2014, Công ty TNHH Tuấn Cường Plastic đã bị UBND tỉnh  xử phạt do hành vi xả thải vượt ngưỡng cho phép ra môi trường.

Trao đổi với PV, ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho hay: “Nhiều năm qua, Công ty Tuấn Cường gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận và đã từng bị tỉnh Hưng Yên xử phạt 2 lần. Trong quá trình sử dụng nguyên liệu là phế liệu trong nước như vậy, công ty đã làm sai quy định và vi phạm pháp luật.

Hiện nay, Sở vẫn nhận được ý kiến phản ánh, bức xúc dư luận… Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế và tham mưu cho tỉnh Hưng Yên, nếu tái diễn vi phạm sẽ xử lý nghiêm đối hoạt động xả thải gây ô nhiễm của công ty này”.

Bùi Tú