THCL Chưa bàn giao, nhưng dự án Đầu tư xây dựng công trình củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên đoạn từ Km 76+894 đến Km 124+824 (có tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng) xuất hiện nhiều vết nứt dọc đê dài hàng trăm m kèm theo nửa mặt đê bị lún xuống từ 10 - 12cm, hàng chục cột mốc bị đổ, gãy chân dọc tuyến…
Sự cố nứt, sạt lở mặt đê tại dự án do Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư được nhận định là đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vì, chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu vào mùa mưa lũ năm 2017, trong khi đê tả sông Hồng được xếp là đê cấp I ngăn lũ sông Hồng bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng triệu người dân tại tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Đây là những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận lại được, trên tuyến đê Sông Hồng đoạn chạy qua địa bàn huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên, thời gian qua tình trạng sạt lở mái đê, đã làm cho hàng trăm mét đê thuộc địa phận huyện văn giang trở nên trầm trọng.
Theo báo cáo số 15/SNN-ĐĐ ngày 28 tháng 11 năm 2016 của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn do ông Nguyễn Văn Doanh giám đốc sở nêu rõ;Tại vị trí số k81+700 đến k82+050, đê tả hồng thuộc địa phận huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên xuất hiện một vết nứt dọc trên mặt đê, chiều dài vết nứt khoảng 350 mét, nằm ở giữa mặt đê, chiều rộng vết nứt có chỗ từ 1 đến 2 cm, toàn bộ nửa mặt đê phía sông bị lún xuống, chỗ lệch lớn nhất từ 10 đến 12 cm. Cách vị trí này khoảng 350 mét vè hạ lưu, tháng 9 năm 2016 cũng xuất hiện một cung trượt dài khoảng 200 mét đỉnh cung sạt ở sát mép nhựa mặt đường đê phía sông.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông hồng đoạn qua địa phận tỉnh hưng yên có tổng vốn đầu tư ban đầu vào năm 2011 là 1.536.040 triệu đồng, được lấy từ ngồn vốn từ trái phiếu chính phủ và các nguồn hỗ trợ từ trung ương, do chi cục quản lý đê điều làm chủ đầu tư, và đơn vị thi công là công ty cổ phần tập đoàn Xuân thành
Sau nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho toàn dự án; theo đó tại quyết định số 2543/ QD-UBND ngày 24/11/2016 do phó chủ tich thường trực UBND tỉnh Hưng Yên ông Đặng Ngọc Quỳnh ký, thì tổng số vốn của toàn dự án này được điều chỉnh xuống còn 1.532.900 triệu đồng trong đó;Chi phí xây dựng là 1.200.210 triệu đồng ; chi phí quản lý dự án là 10.475 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 91.581 triệu đồng chi phí khác 54.332 triệu đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 36.948 triệu đồng, chi phí dự phòng 139.354 triệu đồng.
Tuy nhiên với mức đầu tư cho toàn công trình lên tới hàng nghìn tỷ đồng như vậy, nhưng thực tế tại vị trí sạt trượt này, phóng viên đã ghi nhận được nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu bất thường như; các cột mốc được chôn cắm sơ sài, nhiều cột mốc bị lật đổ mà chưa được cắm lại, bề rộng vết nứt đang ngày một rộng hơn và đặc biệt các phần nền móng sau khi có tác động nhẹ dễ dàng bị bong tróc, lớp nhựa mặt mỏng.
Dư luận đang rất quan tâm, liệu rằng với một số tiền đầu tư lớn như vậy chất lượng công trình có được đảm bảo? nguyên nhân chủ yếu nào gây nên tình trạng trên, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.
Hà Long