Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đóng tiếp tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đóng tiền gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình trực tuyến sẽ hết sức cần thiết, giúp người dân không cần đến cơ quan bảo hiểm xã hội hay các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà vẫn có thể đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế một cách nhanh, chóng tiện lợi ngay trên điện thoại thông minh của mình.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết hợp với một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình có thể thực hiện các giao dịch này ngay trên ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn người dân cách đóng tiếp tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đóng tiền gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình trên ứng dụng trực tuyến của 3 ngân hàng này như sau:

 Trên ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VCB Digibank trên điện thoại. Tại màn hình chính, chọn Ngân sách nhà nước sau đó chọn Bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Chọn Thông tin địa phương, sau đó lựa chọn loại hình Nộp cho khách hàng cá nhân. Tiếp tục chọn hình thức thu bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc Gia hạn thẻ BHYT, sau đó nhập số sổ bảo hiểm xã hội/số thẻ bảo hiểm y tế rồi nhấn Tiếp tục.

Lưu ý: Đối với hình thức Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia có thể chọn số tháng gia hạn thẻ là 3, 6, 12 tháng.

Bước 3: Kiểm tra lại thông tin nộp “Bảo hiểm xã hội tự nguyện” hoặc “Gia hạn thẻ BHYT” ở màn hình xác nhận thông tin và nhấn nút “Tiếp tục”. Nhập mã OTP do Ngân hàng gửi đến để hoàn tất giao dịch.

Trên ứng dụng BIDV Smart Banking của BIDV

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng BIDV Smart Banking trên điện thoại, chọn mục Thanh toán, chọn bảo hiểm xã hội cho cá nhân.

Bước 2: Lựa chọn nhà cung cấp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau đó lựa loại hình dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế mà bạn muốn thực hiện trong mục Chọn dịch vụ, nhập số sổ bảo hiểm xã hội/số thẻ bảo hiểm y tế, kiểm tra thông tin thanh toán.

Bước 3: Nhấn Xác nhận để xác thực mã OTP do Ngân hàng gửi để hoàn tất giao dịch.

Trên ứng dụng MB Bank của MB

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng MB Bank trên điện thoại, chọn chức năng Thanh toán, chọn Bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Lựa chọn dịch vụ tương ứng Nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc Gia hạn thẻ BHYT. Sau đó nhập số sổ bảo hiểm xã hội/số thẻ bảo hiểm y tế rồi làm theo hướng dẫn.

Bước 3: Sau khi hoàn tất các thông tin, chọn Tiếp tục, kiểm tra lại thông tin và chọn Xác nhận để xác thực mã OTP do ngân hàng gửi để hoàn tất giao dịch.

Tuy nhiên, người tham gia cần lưu ý: Với dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình trên ứng dụng của 3 ngân hàng này không áp dụng giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, để được giảm trừ mức đóng người tham gia vui lòng nộp tiền trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội  hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nơi đăng ký tham gia.

Để đóng tiếp B bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến, ngoài việc sử dụng ứng dụng trực tuyến của 3 ngân hàng nêu trên, người tham gia còn có thể thực hiện trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html. bảo hiểm xã hội    Việc sử dụng ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng để đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp người tham gia không phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để giao dịch mà vẫn đảm bảo được quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người tham gia; đồng thời còn giúp người tham gia hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả (người dân không cần thiết phải ra ngoài giao dịch, trong thời điểm nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách toàn xã hội).

Việt Anh