Thông tin tại hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN) trong phát triển thương mại, dịch vụ” diễn ra vào sáng 18/5, tại Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức cho thấy, trong những năm gần đây, ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá mạnh.

Theo thống kê của Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, giai đoạn 2010-2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt hơn 3.568 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt hơn 3.234 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2017.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp ngành bán lẻ trong nước? - Hình 1

Thị trường bán lẻ trong nước đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn, DN nước ngoài thôn tính

Tính chung từ 2006 đến 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

Đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng với các nhà đầu tư, song thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cảnh báo, thị trường bán lẻ trong nước đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn, DN nước ngoài thôn tính. Nếu không nhanh chân các DN Việt Nam sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

Đề cập tới khó khăn của ngành bán lẻ hiện nay, ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nêu rõ, trên thực tế hiện nay, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại trong nước chưa được quan tâm đúng mức, sự quan tâm đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn nhiều khó khăn.

Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh…) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Ở nông thôn, miền núi mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của DN nước ngoài do quy mô nhỏ, khả năng sinh lợi ít…

Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hội nêu rõ, nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại chưa được quan tâm, vốn đầu tư thực hiện của khu vực kinh tế nhà nước cho thương mại trong nước không đáng kể và có xu hướng giảm dần.

Đặc  biệt, theo ông Nguyễn Văn Hội, đối với hoạt động thương mại, vị trí đất là đặc biệt quan trọng, trong khi hiện nay quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại.

Để ngành bán lẻ trong nước phát triển, ông Nguyễn Văn Hội cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại.

Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.

PV