Từ những thửa ruộng bỏ hoang quanh năm ngập nước, không cho năng suất khi trồng lúa, bà Nguyễn Thị Thắm mạnh dạn thuê lại để trồng hoa Sen, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, cũng như mở hướng đi mới cho nông dân huyện Tam Nông (Phú Thọ)…
Hoa “nở nụ cười”…
Đôi tay còn đang thoăn thoắt tách hạt sen khỏi đài sen, bà Thắm vẫn ân cần trò chuyện với chúng tôi về cái nghề “thời vụ” đã giúp gia đình bà thoát khỏi cái nghèo, tại mảnh đất Tam Nông còn nhiều khó khăn, vất vả.
Chẳng biết từ bao giờ, cái hương hoa sen cứ luôn ám ảnh trong tâm trí người đàn bà cực khổ, sớm mai canh tác trên mảnh đất cằn cỗi, mà năng suất lúa chẳng được bao nhiêu. Rồi cái cơ duyên làm giàu từ hoa sen rất đỗi tự nhiên xuất hiện. Xã Thượng Nông cho bà thuê lại gần 3 mẫu ruộng chiêm trũng với mức giá vài triệu/năm. Bà mạnh dạn thuê lại rồi đem trồng hoa sen lấy đài, hoa đem bán phục vụ nhu cầu của người dân.
Lứa đài, hoa đầu tiên đã “nở nụ cười” với người nông dân nghèo. Hoa sen hợp đất đã cho năng suất khả quan. Ngày ngày chèo lái con thuyền mủng đi hết đầm sen, thu hoạch vào sáng và chiều tối. Mỗi ngày cũng được hơn chục cân hạt sen tươi đã tách khỏi đài. Giá đầu mùa 50.000 đồng/kg, giữa mùa rẻ hơn đôi chút, nhưng vẫn được giá ở mức 30.000 đồng/kg. Tính nhẩm ra cũng đã giúp bà thu hoạch tiền triệu một ngày. Đó mới chỉ là tiền thu hoạch đài sen. Ngoài ra, bà còn bán cả lá sen cho nhiều tiệm thuốc y học cổ truyền, bán hoa sen cho người dân… Bà cười hóm hỉnh nói: “Hoa sen tận dụng từ gốc đến ngọn, chẳng chừa ra cái gì…”.
Hoa chẳng phụ công người, người chẳng phụ hoa. Bà tâm sự: “Trồng sen tuy vất vả hơn trồng lúa bởi phải canh đài sen để thu hoạch, đài mà già quá sẽ không bán được, lại mất giá nên cứ sáng chiều lại phải đảo qua đầm sen một lượt để thu hoạch. Lúc rảnh rỗi lại ngồi tách hạt sen bán cho thương lái. Bởi nhu cầu của thị trường luôn luôn cao nên nhiều lúc cung không đủ cầu, thu hoạch được bao nhiêu đều bán hết. Hạt sen lợi thế hơn khi phơi được khô và dùng quanh năm. Nếu không bán hết được hạt sen tươi thì bà có thể sơ chế và phơi khô bán cho nhiều tiểu thương trong chợ hay trong tiệm thuốc bắc.
Cần nhân rộng mô hình
Bà Thắm chia sẻ: “Lúc thấy mình thuê lại mấy mẫu ruộng chiêm trũng, nhiều người tỏ ra nghi ngại. Nhưng khi hương sen lan ra khắp xã, bà con cảm phục và tán thành với mô hình này. Sen là loại cây dễ trồng, không mất công chăm sóc, ít sâu bệnh, mà lại tận dụng được tối đa giá trị của cây, vì thế tôi không mất công nhiều cho khoản chăm sóc”.
Với mô hình trồng sen như vậy, bà Thắm có thêm thời gian nông nhàn, bởi lẽ hoa chỉ tập trung chủ yếu vào 2 tháng cao điểm (tháng 6 và tháng 7). Sau đó, sen bắt đầu tàn, lúc này, thu hoạch củ và ngó sen bán cho tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau - củ trong các chợ. Vẫn có thêm thu nhập cho gia đình.
Với mô hình chuyển ruộng chiêm trũng sang trồng sen, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thiết nghĩ, mô hình cần được nhân rộng để nhiều nông dân có thể thoát nghèo.
Quang Nam