THCL Sáng ngày 28/9, Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống  phân phối, khu vực phía Nam năm 2015”, do Bộ Công thương chỉ đạo, Cục Công nghiệp địa phương  phối hợp với  Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Sở Công thương TP. HCM tổ chức.

Hội nghị nhằm thúc đẩy, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trong nước, đồng thời đề xuất các giải pháp gắn kết  giữa 03 nhà: nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối. Qua đó, tạo sự kết nối và tăng cường phối hợp định hướng sản xuất, kinh doanh, từ đó, hình thành chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả. Đây cũng chính là góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Với sự hiện diện của 83 DN, trong đó, 70 DN đến từ các nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông thủy sản, và đặc biệt là 13 DN đầu mối phân phối phía Nam.

Khu vực ĐBSCL đóng vai trò là trung tâm lớn sản xuất về lúa gạo, các loại đặc sản hoa quả, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, đóng góp phần lớn cho xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, khu vực phía Nam là địa bàn chiến lược, vì vậy, đây là những lợi thế có sẵn về nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, về công nghiệp, thương mại lớn nhất cả nước; là cửa ngõ và điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, sự kết hợp giữa 2 yếu tố trên tạo ra sự phát triển hỗ trợ về chiến lược lâu dài cho toàn vùng. Mặc dù, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng nếu tạo động lực kết hợp cung - cầu thì đây là vấn đề mà các cấp ngành cần quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh, với một thành phố lớn năng động, nguồn nhân lực cao trẻ và dồi dào, với hơn 11 triệu người cho thấy, lượng tiêu thụ hàng hóa là rất lớn, có cơ sở hạ tầng tốt, là cửa ngõ của Việt Nam giao lưu với các nước. Lực lượng DN lớn và quy mô đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. TP. HCM có quan hệ sâu sắc với các địa phương trong cả nước - là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, phát huy lợi thế của từng địa phương để cùng phát triển.

Thời gian qua, thành phố đã tổ chức và chỉ đạo khẩn trương trong việc bán buôn bán lẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tăng cường sản xuất, kinh doanh và mở rộng quan hệ  với các địa phương cả nước nói chung và khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ nói riêng. Với vị thế địa lý thuận lợi, TP. HCM được xem là cầu nối hiệu quả đối với các khu vực trên.

Tháng 12/2011, TP. HCM đã ký kết biên bản thỏa thuận với hai khu vực trên, đến nay đã có tác dụng tích cực đến các hoạt động sản xuất, mở rộng kênh thông tin bán hàng, đồng thời đã tham gia vào công tác bình ổn giá thị trường trên toàn thành phố và khu vực lân cận. Đặc biệt, một trong những hiệu quả tốt trong thời gian qua là kết nối cung - cầu hiệu quả giữa thành phố và các địa phương, các DN với các nhà cung ứng. Các hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ ngày càng nhiều hàng hóa trong nước dồi dào, đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý…

Tham gia hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có hơn 13.000 DN, cũng tổ chức nhiều chủ đề nhỏ kết nối cung - cầu nhưng chưa chuyên sâu, hội nghị gần đây, Cần Thơ có khoảng 400 DN tham gia, tuy nhiên chỉ là hình thức. Qua Hội nghị lần này, Cần Thơ sẽ có nhiều kinh nghiệm để kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối nhằm phát triển một các bền vững.

 

Ngọc Trâm (Thương hiệu & Công luận)