Trao đổi trước báo giới, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, số nhân lực trên được phân công 3 mũi thi công, gồm: 2 mũi thi công phía Bắc và phía Nam hầm; 1 mũi thi công thực hiện khoan địa chất từ trên đỉnh hầm xuống và phun bê tông. Đơn vị thi công bố trí 2 tàu công trình, các máy đào, khoan, phun bê tông… để khơi thông hầm.

Đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Ảnh: Ngọc Oai - Hoàng Nguyên
Đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Ảnh: Ngọc Oai - Hoàng Nguyên

Trong ngày 25/5, các công nhân đã thi công kéo được 1 trong 2 toa tàu công vụ bị đất đá vùi lấp từ sự cố sạt lở hầm vào ngày 21/5. Hiện, còn 1 toa tàu đang bị vùi lấp.

Trước đó, liên quan đến sự cố này, ngày 23/5 ông Nguyễn Danh Huy Thứ trưởng Bộ GTVT cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra trực tiếp sự cố sụt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo rà soát lại tất cả các hầm đường sắt miền Trung.

Đối với sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh và trước đó sạt lở ở hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do địa chất khu vực 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phức tạp, kết cấu bở rời. Trong đó, 2 hầm này có điểm chung trên đỉnh hầm có đường bộ đang khai thác đầu nối qua nên bị ảnh hưởng.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, khu vực 2 hầm này thường có mưa nên toàn bộ đặc tính cơ lý của đất bị giảm, dẫn đến sự cố sạt lở đất, đá trong hầm đường sắt.

Được biết, hầm đường sắt Chí Thạnh là 1/11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt cả nước, đang được Bộ GTVT triển khai (tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng). Hiện, dự án đã cải tạo, kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh (do Ban Quản lý dự án 85 thực hiện) và hầm Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa.

Tuấn Ngọc (t/h)