Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, để khắc phục sự cố sạt, lở tại hầm Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa, ngành đường sắt đã huy động hơn 200 nhân lực cùng 2 đoàn tàu công trình, 4 máy đào nhỏ cùng các trang thiết bị để gia cố vỏ hầm.
Theo ông Vinh, ngày 12/4, xảy ra đợt sạt lở đầu tiên với khối lượng khoảng 180m3, tưởng chừng đã nạo vét để thông hầm vào 4h30 ngày 13/4, một lượng đất đá với khối lượng khoảng 50m3 lại đổ ập xuống lần thứ 2.
"Chúng tôi đã 2 lần làm khung thép để gia cố vỏ hầm, nhưng bất thành vì đất đá trong hầm Bãi Gió vẫn sạt, lở", ông Vinh cho hay.
Hầm đường sắt tại Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Việc sạt lở khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Phú Yên - Khánh Hòa không thể lưu thông.
Sự cố khiến tàu SE8 chở 300 khách, xuất phát từ ga Sài Gòn phải dừng ở ga Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Còn tàu SE5 chở 350 khách, từ Hà Nội phải dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên).
Đại diện đường sắt phía Nam cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở không có tàu khách đi qua. Ngành đường sắt đã huy động ô tô chuyển tải hàng trăm khách từ tàu SE8 sang SE5 và ngược lại, để tiếp tục hành trình.
Theo Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, đợt sạt lở đầu tiên (chiều 12/4) có khoảng 180m3 đất đá rơi xuống hầm, đợt sạt lở thứ 2 (sáng 13/4) có khoảng 50m3 đất đá rơi xuống hầm. Lượng đất đá này cơ bản đã được công nhân thu dọn.
Tuy nhiên, từ đêm 13/4 đến nay, lượng lớn đất đá từ trên trần hầm đường sắt Bãi Gió lại tiếp tục sạt lở xuống.
Ông Lê Quang Vinh cho biết thêm, “từ tối qua đến nay, lượng lớn đất đá (ước tính khoảng 200m3) mới tiếp tục sạt lở xuống, một phía cửa hầm đường sắt này đã bị bịt kín. Các chuyên gia ở Bộ Giao thông vận tải, các công ty tư vấn…sáng nay có mặt đi thực địa để khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân".
“Tạm thời chưa khắc phục, chờ các đơn vị tư vấn đến khảo sát và đưa ra giải pháp. Bây giờ cho công nhân vào sợ không đảm bảo được an toàn vì đất đá cứ rơi", ông Vinh cho hay.
Thiên Trường (t/h)