Sáng nay (23/8), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất trên cả nước trong thời gian qua. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện các địa phương bị thiệt hại.

Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho đồng bào vùng lũ - Hình 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tình hình thiên tai những năm gần đây xảy ra rất nghiêm trọng; lũ quét, sạt lở bờ sông bờ biển với quy mô ngày càng lớn, gia tăng về phạm vi, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.

Năm 2017, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện: Mường La (tỉnh Sơn La); Mù Cang Chải (Yên Bái); Tân Lạc, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); Chợ Mới (An Giang).

Thiên tai đã khiến 4.109 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn, 13.246 hộ dân đang phải sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, có nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 1.022 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.

Các địa phương đã khẩn trương phân bổ kinh phí và huy động các nguồn lực hợp pháp để khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, nhưng chỉ là phương án tạm thời. Theo báo cáo của các tỉnh, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; 42.106 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời để đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương về nhà ở và kết nối hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 839 tỷ đồng, trong đó 391 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân xây dựng nhà ở, 447 tỷ đồng hỗ trợ bước đầu kết nối hạ tầng thiết yếu.

Theo đề xuất này, mức hỗ trợ trực tiếp để người dân khôi phục lại nhà ở là 70 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ để kết nối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu bước đầu về giao thông, điện nước... là 80 triệu đồng/hộ. Theo thống kê, 18 tỉnh, thành trên cả nước cần được hỗ trợ, trong đó tỉnh  Yên Bái cần nhận hỗ trợ nhiều nhất là 204 tỷ đồng, thấp nhất là tỉnh Kiên Giang với 5,1 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cho rằng, tình trạng mưa lớn kéo dài, lượng nước tăng nhanh và tập trung trong một thời điểm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở, lũ quét. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần kinh phí hỗ trợ khẩn cấp cho người dân dựng lại nhà ở để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thống nhất phương án hỗ trợ cần căn cứ theo mức độ thiệt hại của mỗi hộ dân theo mức độ tối thiểu từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/m2 nhà ở.

Cho rằng, việc hỗ trợ cần gắn với kết nối các cơ sở hạ tầng thiết yếu, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, hiện nay các tuyến đường liên huyện ở địa phương này đang bị hỏng nghiêm trọng do sạt lở vùi lấp nhưng vẫn chưa có đủ kinh phí để khôi phục, mới chỉ khắc phục tạm thời để người dân có thể đi bộ hoặc xe đạp, xe máy. Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, đường có thông thì công tác hỗ trợ nhà ở cho người dân mới thuận lợi trong việc vận chuyển vật liệu.

Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho đồng bào vùng lũ - Hình 2

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, nếu căn cứ theo cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn khu vực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều có nguy cơ sạt lở. Những năm gần đây, nhiều nơi chỉ mưa to kéo dài cũng có thể xảy ra sạt lở, lũ lụt và ngày càng nghiêm trọng. Ông Bùi Văn Tỉnh cùng lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, sớm xây dựng đề án cảnh báo thiên tai để địa phương có thể nắm bắt những nơi trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời hướng dẫn người dân di dời đến địa điểm an toàn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ dựng lại nhà là công việc cấp bách. Trung ương và các địa phương cần nhanh chóng quyết định những giải pháp cần thiết, chủ động trong việc di dời, hỗ trợ người dân đang sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu phải có nhà ở bằng các nguồn lực khác nhau trên tinh thần chính xác, kịp thời, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần huy động các nguồn lực khác từ các lực lượng như: Quân đội, Công an, Đoàn thanh niên, cộng đồng dân cư, gia đình, người thân... để cùng chăm lo cho người dân khắc phục khó khăn.

Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, các tỉnh bị ảnh hưởng cần nghiên cứu, xác định mức độ hỗ trợ tùy theo thiệt hại của mỗi gia đình để đảm bảo công bằng. Thủ tướng khẳng định, các địa phương phải có sự chuẩn bị thật tốt, lên kế hoạch cụ thể chăm lo cuộc suống người dân; trong đó lưu ý về vấn đề đất ở, đất canh tác, hoạt động sản xuất, giao thông... Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ phải quan tâm đến việc đi học lại của con em đồng bào, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Đề án di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai, các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng khác với trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng chống thiên tai. "Các địa phương phải có kế hoạch trước, trong và sau mùa mưa bão" để đảm bảo tài sản cho Nhà nước và nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Hoan Nguyễn