Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp trong việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế theo cơ chế “một cửa liên thông”; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế; thực hiện các quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư. Bộ Công an hỗ trợ kết nối, tiếp nhận thông tin với cơ quan quản lý thuế về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; xác định rõ hành vi vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp không xử lý vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; cung cấp thông tin đã thu thập trong quá trình điều tra chuyển cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính về thuế theo quy định; điều tra tội phạm thuế và xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với các hồ sơ cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi trốn thuế chuyển sang. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp để quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; kết nối, cung cấp thông tin liên quan với cơ quan quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng.

Huy động sự tham gia của cơ quan Công an, Công Thương, Ngân hàng chặn gian lận thuế - Hình 1

Để chống thất thu thuế hiệu quả cần sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng chức năng. Ảnh: TH

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất và tài nguyên khoáng sản; cung cấp các thông tin về người nộp thuế do cơ quan tài nguyên môi trường quản lý có liên quan đến công tác quản lý thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Bộ Giao thông vận tải cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách; kết nối, cung cấp thông tin về tiêu chí kỹ thuật liên quan đến quản lý thu đối với tài sản là phương tiện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan việc cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài. Bộ Y Tế phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc kết nối, cung cấp thông tin của các cơ sở kinh doanh dược phẩm, cơ sở khám, chữa bệnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước trong công tác quản lý thuế. Theo đó, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, thanh tra; quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định. Theo đó, trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Các quy định này về cơ bản là kế thừa Luật quản lý thuế hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển Chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng

Theo Bộ Tài chính, kinh doanh thương mại là một vấn đề được các nước và các tổ chức trên thế giới như OECD, WB, IMF đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện thông qua 15 hành động ngăn chặn BEPS, trong đó có hành động đầu tiên được OECD đưa ra là “Đối phó với các thách thức trong nền kinh tế số”. Luật thuế và Luật quản lý thuế hiện hành đã có quy định về chính sách và quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh này.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, thì cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu, hướng dẫn quản lý thuế thông qua các hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế của các giao dịch xuyên biên giới, đảm bảo đồng bộ với việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) có nội dung tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thanh toán và chuyển tiền quốc tế.

 B.C.Đ