Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải cùng lãnh đạo các sở ban ngành TP và nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm, đoàn lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã đến viếng và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi và Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi chia sẻ trong kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi là vành đai cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Theo ông Thắng, bước ra khỏi cuộc kháng chiến, toàn huyện Củ Chi có 35.000 gia đình chính sách; 2.128 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và hơn 10.000 liệt sĩ.
Ông Nguyễn Quyết Thắng cho biết thêm, nếu trong kháng chiến, người dân Củ Chi thà hy sinh để nhường sự sống cho đồng bào mình thì trong hòa bình, mọi người lại cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa.
Những năm qua, nền kinh tế của huyện phát triển với những chỉ số ấn tượng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại nơi đây là 63,6 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, huyện Củ Chi đã xây dựng các khu công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất hiện đại; khu nông nghiệp công nghệ cao,… mang tới tiềm năng kinh tế mới, làm cho mô hình phát triển kinh tế của huyện không chỉ là địa phương thuần nông, mà gắn liền với du lịch, dịch vụ và công nghiệp hóa.
"Củ Chi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh, biến niềm tự hào của quá khứ thành động lực quan trọng để kiến thiết, xây dựng quê hương", Bí thư Huyện ủy Củ Chi khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đã khơi gợi lại lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của vùng “Đất thép thành đồng”, nơi thấm đẫm những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước.
Theo bà Lệ, việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” cho quân và dân Củ Chi là niềm tự hào và là phần thưởng xứng đáng cho chiến công của biết bao người con ưu tú của Củ Chi, những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
“Năm 2022 là năm đánh dấu chặng đường 55 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, cũng là mốc son đánh dấu sự nghiệp xây dựng và phát triển từng bước đã nở hoa, kết trái ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, bà Lệ nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng, để tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng trong 55 năm qua, ngoài những tiềm năng sẵn có, với Củ Chi, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Huyện Củ Chi đã anh hùng trong chiến đấu, cũng phải thành công trong kiến thiết, dựng xây quê hương hôm nay.
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Củ Chi nên định hướng phát triển huyện thành đô thị sinh thái, thông minh; đô thị theo cụm, có sự liên kết với khu vực lân cận; định hướng giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao, quan tâm đến hạ tầng sinh thái, đô thị sinh thái.
Cũng tại buổi lễ, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu "Đất thép thành đồng", Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh đã trao tặng 300 phần quà đến các gia đình chính sách và 100 phần học bổng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi.
Nguyễn Tùng