Đến dự buổi lễ có đồng chí Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, về phía Lãnh đạo huyện có đồng chí Thân Văn Khánh,Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Tưng bừng Hội chợ Cam, Bưởi và các sản phẩm đặc trưng - Hình 1

Các đồng chí Lãnh đạo cắt băng khai mạc Hội chợ

Nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng miền, năm nay huyện Lục Ngạn chuyển đổi phương thức từ “Ngày hội trái cây” sang thành Hội chợ. Sở dĩ chuyển thành như vậy vì tất cả các loại hoa quả sẽ được trưng bày giao bán tại chỗ, từ đó sẽ tạo thành mối liên kết giữa thương lái và nông dân.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức Hội chợ sẽ chấm thi gian hàng đẹp của các Xã, Thị trấn. Bên lề là văn hóa, nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân tại sân khấu chính Quảng trường trung tâm Huyện.

Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, rất phù hợp phát triển nhiều loại cây ăn quả và các sản phẩm địa phương chất lượng cao. Nhân dân Lục Ngạn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Nhiều nông dân Lục Ngạn đã trở thành những nghệ nhân làm vườn và trồng cây ăn quả.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng, bộ huyện Lục Ngạn lần thứ XXIV đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014 – 2020”, chỉ đạo phát triển tập đoàn cây ăn quả theo hướng đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị, từng bước đưa huyện Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước.

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Tưng bừng Hội chợ Cam, Bưởi và các sản phẩm đặc trưng - Hình 2

Gian hàng trang trí bằng hoa quả lạ mắt

Lục Ngạn đã và đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với diện tích trên 26.667 ha cây ăn quả các loại, trong đó: Vải thiều 15.200 ha, sản lượng khoảng 90 – 100 ngàn tấn/ năm, cam Lục Ngạn 3.283 ha, bưởi Lục Ngạn 1.695 ha, ... Sản lượng cây có múi năm 2018 ước đạt khoảng 55.000 tấn.

Ngoài ra, cây ăn quả huyện còn đa dạng về chủng loại giống và cơ cấu theo mùa vụ (Tháng 4 – 5 thu hoạch mận vùng cao, tháng 6 – 7 thu hoạch vải (vải sớm, vải thiều), tháng 8 – 9 thu hoạch nhãn, tháng 9 – 10 thu hoạch cam lòng vàng, bưởi da xanh, bưởi đào, bưởi hoàng, tháng 11 – 12 có bưởi ngọt, cam ngọt Lục Ngạn, tháng 12 – tháng 1, tháng 2 năm sau có táo xuân, táo đài),...

Hàng năm, nông dân Lục Ngạn thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt khoảng 3.000 – 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng nổi tiếng của các dân tộc và các địa phương như mỳ Chũ (20.000 tấn/năm), rượu Kiên Thành, mật ong (trên 3.000 tấn/năm), phấn hoa vải thiều (trên 50 tấn/năm), dấm trái cây (100.000 lít/ năm),...

Hội chợ Cam, Bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2018 được UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức với nhiều nội dung đổi mới.

Đến với Lục Ngạn, đến với “kinh đô của vải thiều”, vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái, bạn bè, du khách sẽ còn nhớ mãi chùa Am Vãi linh thiêng, vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng như tranh vẽ của hồ trên núi (hồ Cấm Sơn – diện tích mặt nước trên 2600 ha, hồ Khuôn Thần – diện tích mặt nước trên 140 ha) và vương vấn mãi bởi những làn điệu dân ca trữ tình, hương vị ngọt ngào không thể quên của Vải thiều, Cam, Bưởi Lục Ngạn, men say của rượu Kiên Thành... cũng như tình cảm thân thiện, nồng hậu, mến khách của người Lục Ngạn.

Diệp Bắc